Tỷ lệ thất nghiệp ở 'Thung lũng Silicon của Trung Quốc' tăng đột biến
Siêu đô thị ở phía Nam đã chứng kiến mức tăng 40% so với cùng kỳ năm trước về số lượng cư dân mới đăng ký thất nghiệp trong quý I/2024.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến ở Thâm Quyến  đã làm dấy lên mối lo ngại mới về tình hình việc làm tại các khu vực thúc đẩy kinh tế lớn nhất của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể cần phải can thiệp bằng các biện pháp mạnh mẽ để phục hồi hoạt động kinh doanh.
Giáp với Hồng Kông, siêu đô thị ở phía Nam này nổi tiếng với nền kinh tế tư nhân sôi động và lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên trong quý I/2024, nơi đây đã chứng kiến số lượng cư dân mới đăng ký thất nghiệp tăng tới 40% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này cũng tăng 15% theo quý so với ba tháng cuối năm 2023 theo dữ liệu mới công bố từ các cơ quan cấp thành phố phụ trách nguồn nhân lực và an sinh xã hội.
Điều đó tương đương với mức giảm 40.221 lao động trong tổng lực lượng lao động của Thâm Quyến, nơi có gần 12 triệu cư dân vào năm 2022 - lần gần nhất thành phố công bố tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương.
Con số thất nghiệp theo quý mới không bao gồm những người đã đăng ký thất nghiệp trước đó và nhiều vụ sa thải không được ghi chép hoặc báo cáo, dẫn đến sự không chắc chắn xung quanh tỷ lệ thất nghiệp của Thâm Quyến. Con số thất nghiệp chính thức chỉ đo lường được một phần nhỏ của tình trạng thất nghiệp thực tế.
Thất nghiệp đã trở thành vấn đề trầm trọng làm lu mờ triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh phục hồi kinh tế không đồng đều.
Theo khảo sát, tỷ lệ thất nghiệp  ở khu vực thành thị Trung Quốc ở mức 5% vào tháng 5, tương đương với tháng trước và giảm 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, một chuyên gia ở Thâm Quyến vẫn gọi tỷ lệ thất nghiệp tăng là "sự cố tạm thời" trong tình hình việc làm của thành phố.
“Thị trường việc làm của Thâm Quyến cởi mở và năng động. Thành phố này là điểm thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học và người tìm việc, và khi nhiều người đổ xô đến thành phố, họ sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao”, Wang Mei, một nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách công tại Viện Phát triển Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, Wang thừa nhận rằng thường phải mất thời gian để tìm được một công việc như ý và thường có sự không phù hợp giữa yêu cầu công việc và kỹ năng của người tìm việc.
“Ngoài ra, tại trung tâm công nghệ của Trung Quốc, việc làm ở Thâm Quyến có thể bị tác động nhiều hơn bởi công nghệ so với các thành phố khác trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ra đời… Quá trình chuyển đổi sang phát triển dựa trên công nghệ sẽ khiến một số việc làm biến mất trước khi các cơ hội mới xuất hiện”, bà cho biết.
Các nhà phân tích khác chỉ ra sự thay đổi trong bối cảnh việc làm.
Peng Peng, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết: "Được thúc đẩy bởi quá trình số hóa và sự dịch chuyển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, ngành dịch vụ của thành phố, bao gồm cả bán lẻ, hiện phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc duy trì việc làm".
Ngành dịch vụ của thành phố, bao gồm bán lẻ, từ lâu đã là ngành tuyển dụng nhiều lao động nhất, với tổng lực lượng lao động là 7 triệu người vào năm 2022, trong khi ngành sản xuất có 4,6 triệu việc làm trong năm đó.
Nhưng mức tăng trưởng doanh số bán lẻ ảm đạm, chỉ tăng trong năm tháng đầu năm 2024 với mức 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, là dấu hiệu cho thấy những khó khăn mà ngành dịch vụ nói riêng và việc làm nói chung tại Thâm Quyến đang phải đối mặt.
Ông Peng cảnh báo rằng tình hình thất nghiệp thực tế tại Thâm Quyến và trên khắp cả nước cần được chính quyền quan tâm và hành động nhiều hơn.
“Có một số lượng lớn người lao động thiếu việc làm”, ông nói.
Người ta lo ngại rằng bức tranh thất nghiệp của Trung Quốc vẫn còn mơ hồ, vì chỉ có những người thất nghiệp được khảo sát hoặc ghi nhận chính thức mới được thống kê, làm dấy lên câu hỏi lâu nay về việc liệu số liệu có bị che giấu để che đậy tình hình hay không.
Chính phủ Bắc Kinh đang đặt hy vọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024 sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, giúp giải quyết vấn đề số lượng sinh viên đại học tốt nghiệp đạt mức kỷ lục, với 11 triệu người tham gia vào một thị trường ngày càng đông đúc.
“Chính phủ nên tạo ra môi trường kinh doanh lý tưởng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài”, ông Peng nói.
Ông Wang, thuộc Viện Phát triển Trung Quốc, cũng kêu gọi các chính sách phục hồi doanh nghiệp để phát huy tiềm năng tạo ra việc làm của họ.
Theo SCMP