Tỷ phú tuổi Rồng: Bỏ CEO của 'đế chế' 1.560 tỷ USD, dồn sức chinh phục vũ trụ
Sinh năm 1964 (Giáp Thìn), Jeff Bezos đã đưa Amazon trở thành đế chế bán lẻ lớn nhất thế giới, trị giá lên tới 1.560 tỷ USD. Ông rời khỏi ghế CEO Amazon để muốn tập trung vào công ty tên lửa Blue Origin.
27 năm xây dựng đế chế Amazon
Theo danh sách tỷ phú của Forbes, tính đến 8/2, nhà sáng lập Amazon  - Jeff Bezos là một trong những tỷ phú giàu có nhất hành tinh. Với tài sản ròng 192,6 tỷ USD, ông đang là người giàu thứ ba thế giới.
Năm 2023, cổ phiếu Amazon đã tăng 79% giúp Jeff Bezos có thêm 65 tỷ USD. Amazon xuất phát điểm là website bán sách, sau đó dần mở rộng sang mọi ngành hàng, tạo ra hệ thống logistics trải khắp toàn cầu và trở thành gã khổng lồ về công nghệ.
Câu chuyện khởi nghiệp của tỷ phú này khiến nhiều người phải khâm phục. Năm 1994, với 1 triệu USD huy động được từ bạn bè và gia đình, Bezos đã thuê một ngôi nhà trong thành phố và thành lập công ty kinh doanh sách trực tuyến.
Ở thời điểm đó, Amazon được coi là “Hiệu sách lớn nhất Trái đất” với hơn 1 triệu đầu sách cho khách hàng lựa chọn. Đến tháng 9 năm 1996, Amazon có hơn 100 nhân viên và đạt doanh thu hơn 15,7 triệu USD.
Trong suốt 27 năm, Jeff Bezos đã biến Amazon thành một công ty khổng lồ. Không chỉ thành công ở lĩnh vực cốt lõi là mua sắm trực tuyến, công ty cũng đạt được thành tựu không nhỏ trong lĩnh vực điện toán đám mây, mở rộng giải trí và quảng cáo.
Năm 2020, công ty thuê 175.000 công nhân thời vụ để đáp ứng nhu cầu tăng vọt do đại dịch. Sau đó, 125.000 người trong số này có cơ hội ở lại làm việc toàn thời gian. Đến tháng 9, họ đã bổ sung 100.000 nhân viên ở Mỹ và Canada. Tháng 5/2021, họ đã thông báo bổ sung 75.000 công nhân.
2022 được xem là năm đầy khó khăn và biến động của lĩnh vực công nghệ, trong đó có Amazon. Cổ phiếu của công ty này đã giảm tới 50%, trở thành công ty đại chúng đầu tiên có vốn hóa 'bốc hơi' 1.000 tỷ USD.
Jeff Bezos từ chức Giám đốc điều hành vào tháng 7/2021 nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch của công ty. Bezos tiết lộ rằng việc ông rời khỏi Amazon là vì muốn tập trung vào công ty tên lửa Blue Origin.
Tham vọng chinh phục không gian
Jeff Bezos thành lập Blue Origin năm 2000. Tỷ phú này muốn mở rộng tầm với của nhân loại trong hệ Mặt trời. Trong nhiều năm, Blue Origin hoạt động gần như hoàn toàn bí mật.
Nhưng giờ đây, mục tiêu là khá rõ ràng. "Tôi đã chuyển giao vai trò CEO và lý do chính khiến tôi làm điều đó là để có thể dành thời gian cho Blue Origin, tiếp thêm năng lượng, mang tới cảm giác cấp bách", Bezos nói.
Khi còn trẻ, ông từng có tham vọng chinh phục vũ trụ. Phát biểu tại lễ tốt nghiệp trung học, Bezos kết thúc bằng một câu nói nổi tiếng trong loạt phim giả tưởng: "Vũ trụ, biên giới cuối cùng. Hãy gặp tôi ở đó".
Ông thành lập Blue Origin còn để phát triển các công nghệ tên lửa và tàu vũ trụ với chi phí thấp hơn. Công ty đã lên kế hoạch xây dựng tàu đổ bộ Mặt trăng, hợp tác với NASA cùng một số đối tác khác để thiết lập căn cứ trên Mặt trăng.
Đến năm 2015, Blue Origin trở thành công ty vũ trụ đầu tiên đưa thành công một tên lửa lên trên Tuyến Kármán, ranh giới không gian được quốc tế công nhận. Công ty đã phát triển ba phương tiện không gian gồm New Shepard, New Glenn và Blue Moon.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa giao cho Blue Origin hợp đồng chế tạo tàu vũ trụ để đưa phi hành gia từ trái đất lên mặt trăng và ngược lại, trị giá 3,4 tỷ USD. Hợp đồng yêu cầu Blue Origin thực hiện một chuyến bay không người lái lên Mặt trăng, sau đó mới là chuyến bay đưa phi hành gia lên hành tinh này, dự kiến vào năm 2029.
Bài học thành công
Trong một bài trả lời phỏng vấn trên CNN, tỷ phú Jeff Bezos tuyên bố sẽ dành phần lớn tài sản của mình để chống lại biến đổi khí hậu và hỗ trợ những người có khả năng đoàn kết nhân loại.
Trong suốt khoảng thời gian giữ vai trò lãnh đạo Amazon, Bezos thường xuyên chia sẻ những lời khuyên và bài học kinh nghiệm của bản thân. Bezos tin rằng chìa khóa để duy trì một hoạt động kinh doanh có tính sáng tạo cao là đưa ra “những quyết định chất lượng cao, với một tốc độ cao”.
Trong lá thư cuối cùng gửi cổ đông với tư cách là CEO của Amazon, ông Bezos viết về tầm quan trọng của việc giữ tính độc đáo của bản thân.
"Chúng ta đều biết rằng sự khác biệt, hay độc đáo, là thứ rất có giá trị. Chúng ta đều được dạy để là chính mình. Điều tôi thực sự muốn các bạn làm được là hãy chấp nhận và phải thực tế về việc bản thân bạn cần bao nhiều năng lượng để duy trì sự khác biệt đó. Thế giới muốn bạn bình thường theo một nghìn cách khác nhau... nhưng đừng để điều đó xảy ra", theo Jeff Bezos.
Vị tỷ phú cho rằng việc duy trì sự khác biệt của mỗi người là rất đáng giá, mặc dù nó đòi hỏi sự "làm việc chăm chỉ liên tục".
>> Lợi nhuận tăng 383%, Amazon thắng lớn sau khi sa thải hàng loạt nhân viên