Ứng cử viên lãnh đạo Đài Loan để ngỏ khả năng đối thoại với Trung Quốc
Ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền Đài Loan Lại Thanh Đức hôm thứ Ba cho biết vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Bắc Kinh với các điều kiện tiên quyết là bình đẳng và phẩm giá.
Ông Lại Thanh Đức được coi là ứng viên nặng ký cho vị trí lãnh đạo đảo Đài Loan. Ảnh: Reuters |
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan  là lãnh thổ của mình và coi cuộc bầu cử lãnh đạo và cơ quan lập pháp trên đảo vào thứ Bảy tuần này là sự lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh trên eo biển Đài Loan.
Phía đại lục đã tố cáo ông Lại Thanh Đức - ứng viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ, là người theo chủ nghĩa ly khai và cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy nền độc lập chính thức của Đài Loan đều có nghĩa là xung đột.
Bất chấp điều này, ông Lại cam kết sẽ cố gắng hợp tác với Trung Quốc, lưu ý rằng đối thoại có thể làm giảm rủi ro xuyên eo biển và sự phát triển hòa bình là lợi ích tốt nhất của cả hai bờ.
“Hòa bình là vô giá và chiến tranh không có người chiến thắng", ông Lại tuyên bố với báo giới.
>> Ông Tập thề ngăn chặn bất kỳ ai 'tách Đài Loan khỏi Trung Quốc' 
Các chính đảng này đều khẳng định rằng chỉ có 23 triệu người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ, mặc dù Quốc Dân Đảng phản đối mạnh mẽ việc tuyên bố độc lập.
Cả Đảng Dân chủ Tiến bộ và phe đối lập Quốc dân đảng, vốn có truyền thống ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đã cam kết tăng cường phòng thủ trên đảo Đài Loan.
Đảng Dân chủ Tiến bộ đã nhấn mạnh trong các chiến dịch tranh cử về sự cần thiết phải giành được đa số trong cơ quan lập pháp. Ông Lại cho rằng nếu điều đó không xảy ra, chính quyền Đài Bắc sẽ “rất khó” ứng phó trước những thách thức từ đại lục và các vấn đề nội bộ.
Ông Lại nhấn mạnh bản thân sẽ tiếp tục đường lối chính sách của lãnh đạo đương nhiệm Thái Anh Văn. Bà Thái đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Trung Quốc, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã từ chối vì coi bà là người theo chủ nghĩa ly khai.
Về khía cạnh đối nội, bà Tiêu Mỹ Cầm, ứng viên phó lãnh đạo Đài Loan của đảng Dân chủ Tiến bộ, cho rằng trước sự tái cơ cấu của nền kinh tế toàn cầu, Đài Loan phải duy trì khả năng cạnh tranh và vị trí chủ chốt trong nguồn cung dây chuyền chất bán dẫn.
“Để sức mạnh kinh tế của Đài Loan phát triển, cần phải hội nhập với thế giới”, bà Tiêu cho biết.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc thường tránh bình luận công khai về cuộc bỏ phiếu trên đảo Đài Loan, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói trong bài phát biểu đầu năm rằng việc Trung Quốc “thống nhất” với Đài Loan là điều không thể tránh khỏi.
>> Trung Quốc kêu gọi người dân Đài Loan thúc đẩy "thống nhất hòa bình" 
Dự án điện mặt trời Quảng Trị được nhà đầu tư từ Singapore và Đài Loan quan tâm đặc biệt 
Trung Quốc kêu gọi người dân Đài Loan thúc đẩy "thống nhất hòa bình"