USD 'rơi tự do': Cú sốc rút vốn và ranh giới mong manh của các nền kinh tế toàn cầu
Đồng bạc xanh trượt giá đang tạo ra những áp lực trái chiều với các Ngân hàng Trung ương khắp thế giới. Một mặt họ muốn tận dụng cơ hội này để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác lại lo lắng về lạm phát gia tăng và nguy cơ dòng vốn bị rút khỏi thị trường.
Đồng USD đang yếu dần, kéo theo những hiệu ứng dây chuyền phức tạp đối với các đồng tiền khác và mang đến cả sự nhẹ nhõm lẫn đau đầu cho các Ngân hàng Trung ương toàn cầu.
Trước những bất ổn về chính sách tại Mỹ, nhà đầu tư đang đổ xô rút khỏi đồng USD và trái phiếu Chính phủ Mỹ. Hệ quả là chỉ số Dollar Index đã giảm hơn 9% từ đầu năm đến nay. Theo khảo sát mới nhất của Bank of America, có tới 61% các nhà quản lý quỹ toàn cầu dự đoán đồng USD sẽ tiếp tục giảm trong 12 tháng tới – mức bi quan nhất trong gần hai thập kỷ qua.

Áp lực kép: Nhẹ gánh nợ nhưng rối bời tỷ giá
Việc đồng USD suy yếu có thể giúp giảm áp lực nợ đối với các nước đang phát triển – vốn có tỷ lệ nợ tính bằng USD rất cao. Một đồng nội tệ mạnh hơn cũng khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn, giúp hạ nhiệt lạm phát và mở ra dư địa cho các Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng.
“Tình trạng USD bị bán tháo gần đây thực sự mang lại ‘khoảng thở’ để nhiều Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất”, chuyên gia Adam Button từ ForexLive nhận định. Tuy nhiên, một đồng tiền nội tăng giá cũng khiến hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn – gây bất lợi cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt tại châu Á – nơi đang chịu thêm áp lực từ các đòn thuế quan mới của Mỹ.
Dữ liệu từ LSEG cho thấy từ đầu năm đến nay: Yên Nhật tăng hơn 10% so với USD; Franc Thụy Sĩ và euro đều tăng khoảng 11%; Zloty Ba Lan tăng hơn 9%, Rúp Nga tăng hơn 22%; Peso Mexico và đô la Canada cũng lần lượt tăng 5,5% và hơn 4%
Ngược lại, một số đồng tiền tại thị trường mới nổi lại giảm giá, bất chấp đồng USD yếu đi, ví dụ Lira Thổ Nhĩ Kỳ và nhân dân tệ Trung Quốc đã từng chạm đáy, dù sau đó phục hồi nhẹ
Nguy cơ và thận trọng: Phá giá có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền
Mặc dù phá giá có thể giúp xuất khẩu, nhưng không nhiều quốc gia sẵn sàng theo đuổi con đường này. Lý do? Một đồng tiền yếu có thể thổi bùng lạm phát, tạo ra rủi ro dòng vốn tháo chạy và tăng gánh nặng nợ nội địa nếu doanh nghiệp vay nhiều bằng USD.
“Thị trường mới nổi đối mặt với lạm phát cao, nợ lớn và nguy cơ vốn tháo chạy – khiến phá giá tiền tệ trở thành con dao hai lưỡi”, chuyên gia Wael Makarem của Exness cảnh báo. Hơn nữa, động thái phá giá còn có thể bị Mỹ coi là hành vi thao túng tiền tệ – kéo theo các đòn trả đũa thương mại.

Mặc dù về lý thuyết, nhiều Ngân hàng Trung ương vẫn có khả năng can thiệp để làm yếu nội tệ, nhưng trong bối cảnh hiện tại, họ vẫn chọn cách "án binh bất động". Theo chuyên gia Brendan McKenna từ Wells Fargo, việc một quốc gia có thể phá giá hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Quy mô dự trữ ngoại hối, mức độ vay nợ nước ngoài, cán cân thương mại và khả năng chịu đựng lạm phát nhập khẩu.
Ngay cả các nước có dự trữ dồi dào và ít phụ thuộc vào nợ ngoại cũng đang hành xử thận trọng. Mọi ánh mắt hiện đều hướng về đàm phán thương mại – nếu các cuộc đối thoại giảm căng thẳng thuế quan, nhu cầu phá giá tiền tệ sẽ không còn quá cấp bách.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tranh thủ thời điểm lạm phát hạ nhiệt để cắt lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 4 vừa qua. ECB kỳ vọng lạm phát sẽ ổn định quanh mức mục tiêu 2% trong trung hạn.
Trong khi đó, Thụy Sĩ – quốc gia phụ thuộc xuất khẩu với đồng franc luôn ở mức cao – đang đối mặt áp lực lớn khi dòng vốn trú ẩn tiếp tục đổ vào. Nếu tình trạng này kéo dài, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có thể buộc phải can thiệp mạnh tay để kéo giảm tỷ giá.
Theo CNBC
Đồng USD tiếp tục lao dốc, nhà đầu tư tháo chạy khỏi tài sản Mỹ: Chuyện gì đang xảy ra?
Đồng USD lao dốc không tưởng, Mỹ đối mặt ‘cơn ác mộng’ thập niên 90 của Nhật Bản?