Vì sao đoàn tàu 275 tỷ đồng hiện đại công nghệ cao cấp Trung Quốc phải "đắp chiếu" tại Gia Lâm?
Đoàn tàu hạng sang với các trang thiết bị hiện đại của Tập đoàn Jinxin vẫn đang nằm "đắp chiếu" chịu cảnh phơi nắng sương trong khuôn viên nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Hiện tại, 13 toa xe lửa hạng sang đều đã được tập kết về khu vực sân đỗ của nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội). Đây là những toa xe nằm trong dự án xã hội hóa đầu tư toa xe do Công ty TNHH Phát triển thiết bị đường sắt  (Việt Nam) thuộc Tập đoàn Jinxin (Trung Quốc) ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Xe lửa Gia Lâm và Công ty Xe lửa Dĩ An đóng vỏ thép thùng xe và lắp ráp.
Dự án gồm có 06 xe giường nằm, 05 xe ghế ngồi, 01 xe công vụ phát điện và 01 xe hàng cơm bằng công nghệ tiên tiến và hiện đại. Đặc biệt, một số thiết bị công nghệ tiên tiến lần đầu được sử dụng tại Việt Nam. Theo Tập đoàn Jinxin, tổng giá trị đóng 13 toa tàu hơn 275 tỉ đồng, trung bình khoảng 21 tỉ đồng/toa. Các toa tàu đã được giới thiệu tại Hội nghị đường sắt ASEAN lần thứ 42 tại Đà Nẵng vào năm 2022.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, đây là toa xe thiết kế mới hoàn toàn từ bộ phận chạy đến thùng xe nên theo Quy chuẩn Việt Nam 18:2018/BGTVT, các toa xe cần phải chạy thử nghiệm 100.000km, đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi cấp giấy phép đăng kiểm.
Quy định này được đưa ra căn cứ trên kinh nghiệm đường sắt quốc tế và một số nước đưa ra các quy định ràng buộc như vậy. Nhưng đối với đường sắt Việt Nam hiện là đường sắt đơn, năng lực thông qua hạn chế, nên chạy thử nghiệm đoàn tàu sẽ chiếm dụng đường, phải dừng chạy đoàn tàu khác. Trong khi gần như lúc nào trên đường cũng có tàu chạy, vì thế để các toa xe này chạy thử nghiệm đủ 100.000km sẽ đòi hỏi mất nhiều thời gian.
Theo ghi nhận, 7 toa xe được kết nối với nhau nằm gần khu vực hồ nước trung tâm của nhà máy xe lửa, 5 toa được phủ bạt kín mít.
Được biết, Tập đoàn Jinxin vừa kiến nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam định hướng, hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn để đưa 13 toa tàu chạy trên đường sắt Việt Nam. Theo tập đoàn này, việc dự án 13 toa tàu hạng sang kéo dài 5 năm đã gây lãng phí và khó khăn cho doanh nghiệp.
Các toa xe được cho là có hệ thống trang thiết bị, nội ngoại thất hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ cao cấp như hệ thống cửa lên xuống, cửa thông giữa các toa có thể vận hành tự động; trên toa có thiết bị phát wifi để hành khách kết nối, sử dụng cho các thiết bị điện tử cá nhân, thuận tiện để giải trí, làm việc; nội thất phía bên trong toa xe ghế ngồi mềm được bọc đệm, phủ vải nỉ. Nội thất chủ yếu là màu xanh dương với hệ thống đèn LED chạy dọc trần.
Hệ thống điều hòa trên các toa giường nằm có thể điều chỉnh nhiệt độ theo nhu cầu từng buồng ngủ, không giống như toa xe giường nằm của đường sắt Việt Nam, là nhiệt độ chung cho toàn toa xe.
Được biết, năm 2019, Tập đoàn Jinxin hợp tác chạy thử với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội nhưng đến năm 2022, khi mới chạy được 15.000km thì 2 bên đã thanh lý hợp đồng. Tập đoàn Jinxin cũng đang đề nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi thông tư rút ngắn chạy thử nghiệm vận dụng từ 100.000km xuống còn 5.000km.
Đến năm 2023, tập đoàn này tiếp tục đề nghị hợp tác với đường sắt Sài Gòn chạy thử khai thác thương mại tuyến TP.HCM - Nha Trang nhưng bị từ chối. Một số nguyên nhân phía đường sắt Sài Gòn chỉ ra là phía công ty chưa tiếp cận được hồ sơ kỹ thuật của doanh nghiệp (do quy định bảo mật của Jinxin), hơn nữa, 13 toa tàu cũng chưa chạy thử nghiệm đủ 100.000km theo quy định.
Theo tìm hiểu, đây là những toa xe thiết kế mới hoàn toàn từ bộ phận chạy đến thùng xe nên quy định của Việt Nam phải chạy thử nghiệm 100.000km trước khi cấp giấy phép đăng kiểm. Tuy nhiên, đến nay, 13 toa tàu này vẫn chưa được cấp giấy phép để đưa vào khai thác.
>>Chấp thuận phương án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam 71,69 tỷ USD chạy 350km/h