Bất động sản

2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam sẽ kết nối bằng ‘siêu cầu’ 19.300 tỷ thay cho hầm vượt sông

Chi Chi 13/04/2025 21:00

Tổng chiều dài của cầu kết nối giữa 2 tỉnh, thành phố này là hơn 11km với tổng vốn đầu tư 19.391 tỷ đồng.

Dự án xây dựng công trình giao thông thay thế phà Cát Lái – điểm kết nối huyết mạch giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã được bàn trong nhiều năm qua. Sau quá trình nghiên cứu, so sánh giữa các phương án xây cầu, hầm dìm và hầm khoan vượt sông, đến cuối năm 2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất chọn phương án xây cầu theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, ngày 11/4 vừa qua, cơ quan này đã trình phương án chi tiết xây cầu Cát Lái nhằm tăng cường kết nối giao thông liên vùng giữa TP. HCM và tỉnh Đồng Nai.

2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam sẽ kết nối bằng ‘siêu cầu’ 19.300 tỷ thay cho hầm vượt sông- Ảnh 1.
Phà Cát Lái hiện nay. Ảnh: Internet

Theo đó, cầu Cát Lái sẽ có điểm đầu tại đường Nguyễn Thị Định (TP. Thủ Đức), cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m, điểm cuối kết nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành tại Km33+500 qua địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Tổng chiều dài toàn tuyến, bao gồm cả phần đường dẫn và cầu, khoảng 11,37km; trong đó riêng chiều dài cầu hơn 3km, với tĩnh không thông thuyền đạt 55m. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn trục chính đô thị, vận tốc 80km/h, mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp.

>> 1 tuần nữa, cây cầu thứ 7 của nhánh sông Mê Kông sẽ hợp long, rút ngắn kết nối 2 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trước khi chốt phương án cầu, chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn đã nghiên cứu đồng thời phương án hầm gồm cả hầm dìm và hầm khoan. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về kỹ thuật, chi phí và yếu tố thực tiễn, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án xây cầu, vì khả thi hơn, chi phí thấp hơn và đặc biệt là ít gây ảnh hưởng đến tuyến đường Nguyễn Thị Định, vốn đã thường xuyên ùn tắc, hạn chế phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng.

2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam sẽ kết nối bằng ‘siêu cầu’ 19.300 tỷ thay cho hầm vượt sông- Ảnh 2.
Đề xuất mặt cắt ngang cầu dẫn và cầu chính Cát Lái. Ảnh: Báo Xây Dựng

Toàn bộ dự án được đề xuất chia thành bốn dự án thành phần, trong đó dự án giải phóng mặt bằng phía TP. HCM có kinh phí dự kiến 3.611 tỷ đồng; phía Đồng Nai là 2.967 tỷ đồng; xây dựng phần cầu chính khoảng 9.034 tỷ đồng; còn lại là tuyến đường nối từ sau trạm thu phí đến cuối tuyến, khoảng 3.779 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư công cho các hạng mục giải phóng mặt bằng và tuyến nối được đề xuất khoảng 10.357 tỷ đồng. Phần còn lại, đoạn tuyến từ đầu dự án đến trạm thu phí sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, với tổng kinh phí khoảng 9.034 tỷ đồng.

Phương án xây cầu thay thế phà Cát Lái không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài suốt nhiều năm qua, mà còn mở ra trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt giữa TP. HCM và Đồng Nai - hai địa phương giàu có với mức thu nhập bình quân đầu người qua nhiều năm luôn đứng trong top đầu cả nước. Dự án hứa hẹn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại khu vực Nhơn Trạch, nơi đang được định hướng trở thành đô thị vệ tinh quan trọng trong chiến lược phát triển vùng TP. HCM.

>> Hình hài rõ nét cây cầu trên tuyến đường nghìn tỷ vừa hợp long, góp phần nối thông TP. Nam Định ra đến biển Đông

Cây cầu gần 12.000 tỷ bắc qua sông Hồng, nối Hà Nội đến tỉnh là 'bến đỗ' của Tập đoàn Trump tại Việt Nam đón tin vui

1 tuần nữa, cây cầu thứ 7 của nhánh sông Mê Kông sẽ hợp long, rút ngắn kết nối 2 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/2-tinh-thanh-giau-nhat-viet-nam-se-ket-noi-bang-sieu-cau-19300-ty-thay-cho-ham-vuot-song-202250413104007452.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam sẽ kết nối bằng ‘siêu cầu’ 19.300 tỷ thay cho hầm vượt sông
    POWERED BY ONECMS & INTECH