Bất động sản

Vì sao giá trị khu đất dự án Cổ Dương trong vụ án của Vimedimex bị dìm?

T Nhung 28/02/2024 - 22:06

Ba doanh nghiệp trong vụ án đấu giá đất Cổ Dương (Đông Anh, Hà Nội) đã gửi văn bản đến báo, sau khi VKSND TP Hà Nội có cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thị Loan (Vimedimex).

Như VietNamNet đã đưa, liên quan đến sai phạm trong quá trình đấu giá quyền sử dụng khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, VKSND TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố 9 bị can.

Bà Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) và 8 người khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thông đồng thẩm định dìm giá đất

Theo cáo buộc, quá trình tham gia đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, bà Nguyễn Thị Loan đã dùng pháp nhân của 3 công ty đều do bà Loan điều hành (Công ty Bắc Từ Liêm, Công ty CP Đầu tư BĐS Thanh Trì, Công ty CP Đầu tư BĐS Mỹ Đình) để tham gia đấu giá, thống nhất với các bị can khác bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm và công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc của bà Loan.

Để xác định giá khởi điểm làm cơ sở tổ chức đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội), Công ty cổ phần Tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội (Công ty VVAI) được lựa chọn là đơn vị tư vấn và thẩm định giá.

lo dat dau gia vimed 122.jpeg
Lô đất liên quan đến sai phạm của Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan. Ảnh: Báo Lao động

Các bị can Nguyễn Diệu Linh (TGĐ), Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Đức Phương là thẩm định viên của Công ty VVAI, có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo đúng quy định của pháp luật.

Nhưng các bị can này đã không thực hiện một cách khách quan mà định giá theo đề nghị của bị can Trần Công Tuyên (Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án Đông Anh, Hà Nội) và Vương Thị Thu Thủy (chuyên viên Ban quản lý dự án huyện Đông Anh); thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành Chứng thư định giá đất không đúng với giá trị thực tế.

Việc này đã tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của bà Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.

Cáo buộc cũng cho rằng, bị can Bùi Thanh Huyền (Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở TN&MT Hà Nội) và Nguyễn Thị Cẩm Lê (cán bộ Sở TN&MT Hà Nội) đã thiếu trách nhiệm trong quá trình kiểm tra, thẩm định chứng thư thẩm định giá của Công ty tư vấn, không phát hiện các phiếu khảo sát được lập từ tháng 8/2020, trước thời điểm được bốc thăm lựa chọn là đơn vị tư vấn thẩm định giá tại thời điểm 9/2020.

Hai bị can này cũng chấp thuận các tài liệu trong Chứng thư thẩm định giá và kết quả thẩm định giá của Công ty VVAI với giá là 17.600.000đ/m2, dẫn đến việc Hội đồng định giá của thành phố xác định giá khởi điểm thấp hơn nhiều giá trị thực.

Việc này tạo điều kiện để bà Loan dùng các công ty tham gia đấu giá của bà thực hiện hành vi thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ông Đỗ Xuân Quân trình bày, khoảng năm 2015, bà Loan nhờ ông đứng tên thành lập công ty và là người đại diện pháp luật, giữ chức vụ TGĐ Công ty Mỹ Đình. Mọi hoạt động của công ty đều do bà Loan chỉ đạo.

Khoảng cuối năm 2020, nhân viên của Công ty Vimedimex mang bộ hồ sơ đưa cho ông Quân bảo ký ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Đức đại diện Công ty Mỹ Đình đi tham gia đấu giá lô đất tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Ông Quân đã ký và không biết phía Vimedimex có cử thêm 2 công ty khác thuộc tập đoàn tham gia đấu giá. Bản thân ông Quân cũng không được tham gia bàn bạc, thống nhất nội dung và cũng không được hưởng lợi gì.

Tương tự, ông Trịnh Ngọc Duyên cũng được bà Loan nhờ đứng tên cổ đông tại Công ty Thanh Trì. Dù giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Trì nhưng ông Duyên không làm việc tại Công ty Thanh Trì mà làm việc tại Vimedimex. Mọi hoạt động của công ty đều do bà Loan chỉ đạo, điều hành, chỉ khi cần ông Duyên mới đại diện pháp nhân của Công ty ký giấy tờ.

CQĐT cho rằng, ông Quân và Duyên là những người làm công ăn lương, được bà Loan giao nhiệm vụ ký giấy tờ ủy quyền tham gia đấu giá. Các cá nhân này không được bàn bạc, thống nhất phương án đấu giá và hưởng lợi trong quá trình đấu giá đất ở Đông Anh nên CQĐT khẳng định, không có căn cứ để xử lý hình sự hai người này với vai trò đồng phạm giúp sức.

Không đồng tình với bản cáo trạng

Mới đây, các ông bà Đỗ Xuân Quân (TGĐ Công ty Mỹ Đình), Trần Mỹ Linh (TGĐ Công ty Bắc Từ Liêm), Trịnh Ngọc Duyên (Đại diện Công ty Thanh Trì), Lê Tiến Dũng (Phó TGĐ Công ty Nhuệ Giang), Nguyễn Hồng Khê (Quyền TGĐ Công ty Vimedimex), Lê Trí Dũng (Phó TGĐ Thường trực Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex) đã có đơn gửi đến Báo VietNamNet bày tỏ sự không đồng tình với cáo buộc của VKSND TP Hà Nội.

Theo đại diện các công ty trên, trong vụ án này, có một số điểm cần được xác định một cách chính xác, vì nó liên quan đến quyền lợi của nhiều cá nhân, đơn vị liên quan.

429422027 1127801914897135 2490794989034059980 n.jpeg
Đại diện các công ty gửi đơn đến Báo VietNamNet

Theo đó, sai phạm trong Dự án Cổ Dương là do chứng thư thẩm định giá được thực hiện bởi hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức UBND huyện Đông Anh, Sở TN&MT Hà Nội cùng với đơn vị thẩm định giá. Các đối tượng này đã có hành vi thông đồng, móc nối làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, cố ý hạ giá trị khu đất từ 504 tỷ đồng xuống 284 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Vì thế không thể truy tố những người trên về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” được.

Đại diện các công ty cũng cho rằng, việc hạ giá trị khu đất đấu giá Cổ Dương của các bị can Tuyên, Thủy, Huyền, Lệ, Linh và Phương còn có mục đích để không bị đánh giá về các dự án đã đấu giá thấp trước đây và nhằm điều chỉnh giá trị lô đất đấu giá – dẫn đến thay đổi thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, theo quy định, nếu lô đất đấu giá có giá trị trên 30 tỷ đồng, thẩm quyền phê duyệt đơn giá đất khởi điểm đấu giá sẽ do UBND TP.HN phê duyệt; nếu lô đất đấu giá có giá trị dưới 30 tỷ đồng, thẩm quyền phê duyệt đơn giá khởi điểm đấu giá sẽ do UBND Huyện Đông Anh phê duyệt.

Ngoài ra, theo phản ánh của các công ty nói trên, thẩm quyền xác định giá khởi điểm để đấu giá cũng chưa đúng. Bởi Khoản 3, Điều 3, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 quy định: “Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này”.

Vì thế, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá đất ở Cổ Dương phải do Sở TN&MT Hà Nội xác định chứ không phải thuộc UBND huyện Đông Anh.

Đại diện các công ty cũng cho rằng, có sự áp dụng khác nhau trong việc xác định cách thức tổ chức đấu giá, dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, tạo kẽ hở để hạ giá, gây thất thu cho ngân sách.

Theo quy định hiện hành, có 5 phương pháp xác định giá đất, song kết quả xác định giá giữa các phương pháp chênh lệch với nhau khá lớn, trong khi luật pháp cũng không bắt buộc áp dụng phương pháp nào.

Theo đó, đối với hoạt động đấu giá đất, việc đấu giá giữa thửa đất và nhóm thửa đất thì cách thức khác nhau; việc xác định bước giá đấu cũng không có sự thống nhất giữa dự án.

Tại khoản 1, Điều 5, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: "Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên. Bước giá do người có tài sản đấu giá quyết định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản đối với từng cuộc đấu giá".

Trên thực tế, bước giá Lô đất đấu giá Dự án Cổ Dương được đưa ra quá cao so với giá khởi điểm của quyền sử dụng đất. Bước giá của 05 khu đất đấu giá trước đó (Khu đất đấu giá Điểm X1, Khu đất đấu giá Điểm X21, Khu đất đấu giá Điểm X5, Khu đất đấu giá DO 04, Khu đất đấu giá X5, thửa 25-27, 29,38), quá thấp so với giá khởi điểm của quyền sử dụng đất.

Việc đưa ra bước giá hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có tài sản đấu giá, mà không dựa trên nguyên tắc, tiêu chí cụ thể nào, rất dễ tạo kẽ hở cho việc "lách" luật, thông đồng, móc nối dìm giá để trục lợi, gây thất thoát cho Ngân sách nhà nước.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), vụ án cho thấy những sơ hở trong việc quản lý đất đai, thiếu trách nhiệm và tha hóa của một số cán bộ có liên quan đến việc định giá, tổ chức đấu giá, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều tổ chức cá nhân khác.

Việc tăng cường công tác quản lý về bất động sản, minh bạch thị trường bất động sản, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản là việc cần thiết để có thể lấp những “khoảng trống pháp lý”, loại bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp để cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản được phát triển bình đẳng, lành mạnh, góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội.

>> Vụ dìm giá đất tại Đông Anh: Y Dược phẩm Vimedimex (VMD) cùng 5 công ty khác đồng loạt 'tố' ngược lại VKS

Vụ dìm giá đất tại Đông Anh: Y Dược phẩm Vimedimex (VMD) cùng 5 công ty khác đồng loạt 'tố' ngược lại VKS

Cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan tiếp tục bị truy tố trong vụ đấu giá đất ở Đông Anh

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vi-sao-gia-tri-khu-dat-du-an-co-duong-trong-vu-an-cua-vimedimex-bi-dim-2254021.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vì sao giá trị khu đất dự án Cổ Dương trong vụ án của Vimedimex bị dìm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH