Việt Nam bất ngờ đứng top 3 tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà nhiều nhất thế giới
Theo khảo sát của tập đoàn bất động sản Garrett tại Mỹ, Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới.
Mới đây, tập đoàn bất động sản Garrett có trụ sở ở Kentucky, Mỹ đã đưa ra danh sách các quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới. Trong top 10 quốc gia, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 theo danh sách này, chỉ xếp sau Rumani và Trung Quốc.
Theo Garret, ở Việt Nam với khoảng 90%, sở hữu nhà được coi là mục tiêu quan trọng đặc biệt với những người đến tuổi nghỉ hưu. Chính phủ hỗ trợ việc người dân sở hữu nhà thông qua các chương trình nhà ở với giá phải chăng. Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác, tốc độ tăng trưởng nhanh và giá cả tăng cao  đã tạo ra thách thức về khả năng mua nhà. Mặc dù vậy, việc sở hữu nhà vẫn là mục tiêu quan trọng.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 88,1% hộ gia đình sở hữu nhà riêng, 11,4% hộ dân cư phải đi thuê mượn của nhà nước, cá nhân hoặc tư nhân, 0,3% hộ dân cư ở nhà tập thể.
>> Chuyên gia 'mách' bí kíp cho người trẻ lần đầu mua nhà tại TP.HCM 
Nhu cầu mua nhà và sở hữu nhà  của người dân hiện nay là rất lớn. Không chỉ người Việt Nam, người dân nhiều nước khác luôn hy vọng và hướng đến việc sở hữu nhà vì không chỉ là tài sản, đây còn là niềm tự hào của bản thân và gia đình, ngôi nhà như một thước đo cho thành tựu lớn trong cuộc sống.
Xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng là Rumani với 96%. Tại đây, hơn 96% hộ gia đình sở hữu nhà riêng. Có được điều này là nhờ truyền thống thích sở hữu nhà của người dân Rumani, khả năng và cơ hội để mua nhà.
Tiếp theo, xếp thứ hai, tỷ lệ sở hữu nhà ở Trung Quốc vào khoảng hơn 90%. Theo quan niệm ở nước này, dù sở hữu chung cư hay nhà riêng, sở hữu nhà cho thấy sự ổn định và giàu có. Các chuyên gia tại quốc gia này cho rằng, việc người dân Trung Quốc có sở hữu nhà hay không là một chỉ số quan trọng đánh giá mức độ hạnh phúc. Ví dụ, 77% người sở hữu nhà cho biết họ "hạnh phúc", cao hơn gần 20% so với những người đi thuê mà không phải là người ở địa phương đó.
Xếp sau Việt Nam là Nga và Sudan với 87%. Một trong những kiểu nhà phổ biến ở Nga là Khrushchyovka - chung cư xây thời Liên Xô. Một kiểu nhà phổ biến khác là nhà gỗ. Còn tại Sudan, tỷ lệ sở hữu nhà ở nông thôn cao hơn, tỷ lệ sở hữu nhà ở thành thị chỉ khoảng 67%
Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng là các quốc gia Ba Lan - 86,8%, Ấn Độ - 86,6%, Pakistan - 86,6%
Xếp hạng gần cuối bảng bất ngờ là Nhật Bản với 80%. Theo quan niệm ngày xưa của người Nhật, có một căn nhà là giàu có. Thế nhưng, hiện nay, ở các thành phố lớn của nước này, dân số đông đúc, giá bất động sản tăng cao, số người già tăng nên quan niệm về nhà cửa có phần thay đổi. Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra các chương trình ưu đãi để khuyến khích mua nhà.
Đứng cuối cùng của danh sách là Tây Ban Nha với 75,8%. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại quốc gia này khiến nhiều người gặp khó khăn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính phủ nước này đã thực hiện giảm lãi suất để người dân mua nhà , nhưng việc sở hữu nhà vẫn là vấn đề thách thức.
>> Chuyện ngôi làng đẹp như tranh ở Thụy Sĩ tặng 1,6 tỷ đồng cho người đến sinh sống