Việt Nam đã trở thành điểm đến sản xuất linh kiện cho SpaceX của tỷ phú Elon Musk
Việc các đối tác của SpaceX mở rộng sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là do yêu cầu trực tiếp từ phía công ty của Elon Musk.
Theo tìm hiểu, Wistron NeWeb Corporation (WNC), đối tác Đài Loan  cung cấp linh kiện cho SpaceX , hiện đang sản xuất bộ định tuyến và thiết bị mạng dành riêng cho dự án Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk , tại một nhà máy đặt ở tỉnh Hà Nam, Việt Nam.
Theo báo cáo thường niên công bố tháng 4 vừa qua, WNC cho biết: "Trước những rủi ro địa chính trị và nhu cầu thay đổi liên tục của khách hàng, WNC đã tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất toàn cầu".
Ngoài WNC, một đối tác khác của SpaceX là Universal Microwave Technology cũng đã đầu tư vào nhà máy tại Việt Nam trong năm nay, theo công bố từ tài liệu chính thức của công ty.
Shenmao Technology, một nhà cung cấp vật liệu hàn cho bảng mạch in và cũng là đối tác của SpaceX, đã công bố vào tháng 4 rằng họ sẽ đầu tư 5 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Đến tháng 9 năm nay, nhiều tờ báo và nguồn tin cho biết SpaceX đang xem xét đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, tuy nhiên chưa tiết lộ thời gian và mục đích cụ thể của khoản đầu tư này.
Xu hướng dịch chuyển sản xuất linh kiện Starlink của SpaceX ra khỏi Đài Loan đang diễn ra mạnh mẽ |
Việc các đối tác của SpaceX mở rộng sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là do yêu cầu trực tiếp từ phía công ty của Elon Musk. Chin-Poon Industrial, một nhà sản xuất linh kiện vệ tinh và là đối tác lâu năm của SpaceX, cho biết đã được yêu cầu chuyển hoạt động sản xuất đơn hàng mới từ Đài Loan sang Thái Lan vì các “yếu tố địa chính trị”.
Xu hướng dịch chuyển sản xuất linh kiện Starlink của SpaceX ra khỏi Đài Loan đang diễn ra mạnh mẽ. Ông Ming-Kuen Lai, Tổng giám đốc Acter, công ty Đài Loan chuyên xây dựng các nhà máy điện tử và phòng sạch cho các doanh nghiệp công nghệ lớn như Foxconn, Delta Electronics, Wistron và ASE Technology, thông tin rằng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của Acter đã tăng trưởng đáng kể trong năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng tại các thị trường chủ chốt là Đài Loan và Trung Quốc.
Dù hiện nay thị trường Đông Nam Á chỉ chiếm hơn 10% doanh thu của Acter, nhưng ông Ming-Kuen Lai nhận định Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đang ghi nhận mức tăng trưởng rất ấn tượng.
Những căng thẳng địa chính trị, cùng với nhu cầu đảm bảo tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đã tạo nên làn sóng dịch chuyển lớn trong ngành công nghệ.
Sau nhiều năm tập trung sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan, các công ty lắp ráp điện tử lớn như Foxconn, Quanta, Wistron, cùng các “ông lớn” ngành chip như TSMC và United Microelectronics Corporation (UMC) đang nhanh chóng mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á, Nhật Bản và thậm chí là châu Âu.