Xã hội

Việt Nam: Một thế hệ đang 'cúi đầu' vì điện thoại thông minh và mạng xã hội

Linh Chi 25/06/2024 16:00

Tâm tư, tình cảm, dữ liệu cá nhân, công việc, đối tác, các mối quan hệ xã hội... rất quan trọng đều được chúng ta trao gửi vào một mảng ảo vô tri. Mọi thứ tưởng sẽ bền vững, sẽ sống đời với thời gian nhưng chỉ cần một cú nhấp chuột sẽ tan biến.

Khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh những người trẻ cắm cúi, mắt không rời khỏi màn hình điện thoại, tay không ngừng bấm, lướt mà chẳng quan tâm đến xung quanh đang diễn ra điều gì. Dường như, giới trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội.

Ảnh minh họa.

(TyGiaMoi.com) - Ảnh minh họa.

Một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy năm 2023, người Việt Nam dành trung bình 6,2 giờ/ngày để sử dụng điện thoại thông minh, nhưng lại dành 2/3 thời lượng cho các mạng xã hội. Độ tuổi sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam từ 13-34 tuổi. Điện thoại thông minh, mạng xã hội đang trở thành người bạn thân thiết của giới trẻ. Họ sẵn sàng chia sẻ mọi thứ lên mạng xã hội từ niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng hay điều tích cực nhưng lại không muốn trò chuyện trực tiếp, tâm sự với bố mẹ, gia đình. Chính vì thế, không ít người bày tỏ sự lo lắng khi có một thế hệ "cúi đầu" sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống này.

Hẹn đi uống cà phê tâm sự... để dùng điện thoại

Mỗi ngày, chỉ cần bước chân ra đường chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ dù đi bộ, đi siêu thị, đi xem phim, đi ăn, đi uống cà phê cùng bạn bè... nhưng lại dán mắt vào điện thoại, tay bấm, tay vuốt liên tục. Một nhóm bạn khoảng 5, 6 người vào quán cà phê, gọi nước uống với mục đích để tâm sự. Thế nhưng, sau khi chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh trên điện thoại, đăng lên mạng xã hội, ai nấy lại cắm cúi vào màn hình điện thoại để đọc tin, để xem bình luận, để cười với... màn hình vô tri mà chẳng ai nói ai câu nào. Dường như nhu cầu giao tiếp của con người đang dần thay đổi một cách nghiêm trọng từ giao tiếp người với người chuyển sang giao tiếp người với điện thoại, với mạng xã hội.

Đặc biệt, giới trẻ chẳng còn thói quen gọi điện thoại hay gặp mặt trực tiếp người khác mà thay vào đó là nhắn tin qua messenger, qua Zalo, qua Viber... đủ nền tảng mạng xã hội để thay thế cho việc gọi điện hay gặp trực tiếp nói với nhau vài ba câu nói.

Điện thoại thông minh phát triển, viễn thông ngày càng hiện đại, ở đâu cũng dễ dành có mạng để trao đổi, cập nhật. Không ít nam thanh nữ tú còn thể hiện thái độ khinh bỉ, dè bỉu khi ai đó nói họ họ không có mạng, không có wifi để kiểm tra tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội.

Chính vì quá phụ thuộc vào mạng xã hội và điện thoại thông minh, mọi người mới nháo nhào, hốt hoảng, lo lắng... khi Facebook bị lỗi, bị sập hay bị kẻ xấu chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản.

Ảnh minh họa.

(TyGiaMoi.com) - Ảnh minh họa.

Hệ quả của những người "cúi đầu"

Việc liên tục cúi đầu vào điện thoại mang đến cho con người những hệ quả vô cùng xấu. Khi tất cả mọi thứ đều trao đổi, giao tiếp qua màn ảnh ảo, mọi người dần trở nên nhút nhát, ngại tiếp xúc trực tiếp với người khác, hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt.

Về sức khỏe, theo nghiên cứu của các chuyên gia y học, việc cúi đầu sẽ ảnh hưởng lớn đến cổ. Đầu người nặng khoảng 4,5kg, khi cúi đầu phần cổ chúi về phía trước khiến trọng lượng trên cột sống tăng lên; nếu cúi đầu xuống 15 độ áp lực của cột sống tiếp tục tăng mạnh. Đây chính là lý do dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống đang xảy ra phổ biến ở nhiều bạn trẻ.

Đối với trẻ em, việc tiếp xúc với điện thoại, mạng xã hội từ sớm sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu. Nhiều gia đình vì bố mẹ quá bận rộn với công việc, không có thời gian dành cho con nên cho phép con sử dụng điện thoại sớm. Thế nhưng, trên mạng xã hội có rất nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi trẻ nhỏ khiến các con bị ảnh hưởng, nhiễm thói hư tật xấu.

Không ít phụ huynh choáng váng khi bị cô giáo phản ánh con ở trường nói tục, chửi bậy, có những hành động phản cảm, không đúng lứa tuổi. Lúc gặng hỏi, con mới trả lời rằng bắt chước các video trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa.

(TyGiaMoi.com) - Ảnh minh họa.

Giá trị nào trên thế giới ảo?

Một ngày mạng xã hội gặp sự cố, bị mất điện... người ta mới có chút thời gian hiếm hoi buông điện thoại xuống, thôi dán mắt vào mạng xã hội để trò chuyện cùng nhau, nhìn rõ gương mặt với những vết chân chim của mẹ, bàn tay chai sần, nâu sạm của ba.

Lúc này, không ít người nhận ra đã lâu lắm rồi mới trò chuyện cùng ai đó, mới thật sự sống chậm để lắng nghe hết một câu chuyện, cảm nhận một ly cà phê đúng nghĩa thay vì vội vã chụp hình, đăng ảnh, đếm xem bao nhiêu like, bao nhiêu tương tác... Quả thật, người trẻ đã quá lệ thuộc vào mạng xã hội. Tâm tư, tình cảm, dữ liệu cá nhân, công việc, đối tác, các mối quan hệ xã hội... rất quan trọng đều được chúng ta trao gửi vào một mảng ảo vô tri. Mọi thứ tưởng sẽ bền vững, sẽ sống đời với thời gian nhưng chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thứ sẽ tan biến.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta thôi cúi đầu, thôi phụ thuộc vào điện thoại hay mạng xã hội và tự mình quản trị cuộc đời mình. Thời gian vẫn trôi, mọi thứ rồi sẽ thay đổi, đừng để đến lúc ngẩng đầu lên mới nhận ra thì đã quá muộn màng.

>>Người phụ nữ bị chiếm đoạt 24 tỷ đồng khi tham gia đầu tư vàng online, cảnh giác tuyệt đối với tội phạm công nghệ cao

Nữ doanh nhân 70 tuổi 'mất trắng' 841 tỷ đồng vì tin lừa đảo qua điện thoại, cảnh sát vào cuộc điều tra, 10 nghi phạm bị bắt giữ

Cảnh báo dấu hiệu điện thoại đã bị xâm nhập, tiền có thể ‘bốc hơi’ bất cứ lúc nào, người dân cần lưu ý ngay

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/viet-nam-mot-the-he-dang-cui-dau-vi-dien-thoai-thong-minh-va-mang-xa-hoi-d125870.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam: Một thế hệ đang 'cúi đầu' vì điện thoại thông minh và mạng xã hội
    POWERED BY ONECMS & INTECH