Tỉnh thành được định hướng trở thành đô thị toàn cầu toạ lạc tại “điểm vàng” địa lý, nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối đại diện của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 (đồ án quy hoạch) đã và đang được lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và người dân thành phố. Đồ án quy hoạch lần này nhận được sự quan tâm rất lớn của các giới, các tầng lớp nhân dân bởi nó sẽ đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi và phát triển của TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Đồ án quy hoạch lần này, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng đồ án quy hoạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra và quan trọng hơn là đáp ứng mong muốn của người dân thành phố, với mục tiêu xây dựng thành phố phát triển xanh, phát triển bền vững; là trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ của châu Á; hướng tới TP. HCM là đô thị toàn cầu .
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, phải khẳng định rõ vị trí, vai trò của TP. HCM ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước cũng như đầu mối đại diện của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Nó không chỉ là kết nối về giao thông, logistics mà cần được khẳng định bằng sức mạnh mềm; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và vai trò trung tâm kinh tế vùng, kiến tạo những không gian mới, những động lực mới và đề xuất những cơ chế chính sách, cách làm để quy hoạch thực sự khả thi.
Trong tương lai, “thành phố mang tên Bác” có đến 5 đô thị trung tâm
Trong đồ án quy hoạch lần này, khung phát triển đô thị được định hình rất rõ với việc mở rộng cấu trúc đô thị, hình thành các thành phố trong thành phố, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên. Theo đó, thành phố sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, với 5 vùng: Vùng đô thị trung tâm  (gồm 15 quận), có diện tích gần 17.600ha, dân số từ 5-6 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, văn hóa lịch sử, kinh tế tri thức,…
Vùng đô thị phía Đông (TP. Thủ Đức) có diện tích 21.159ha, dân số từ 2,3-3 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị sáng tạo, giáo dục - đào tạo, công nghệ cao, trung tâm tài chính.
Vùng đô thị phía Bắc (huyện Hóc Môn và Củ Chi), diện tích gần 58.000ha, dân số 3,3-5,2 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị dịch vụ, công nghiệp sinh thái,… Trung tâm đô thị phía bắc nằm tại khu vực giao giữa Vành đai 3 TP. HCM và Quốc lộ 22 đến cao tốc TP. HCM - Mộc Bài.
Vùng đô thị phía Tây (huyện Bình Chánh), diện tích gần 22.800ha, dân số từ 2-2,8 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược,…
Vùng đô thị phía Nam (quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ), diện tích hơn 89.000ha, dân số 3-4,2 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị công nghệ cao, thương mại dịch vụ, triển lãm, trung tâm kinh tế biển…
Đẩy mạnh phát triển giao thông đa tầng
Thành phố sẽ bố trí các trục giao thông nhanh, đa tầng bằng cách phát triển những trục trên cao, trục đi ngầm. Kết nối các trung tâm đô thị và khu vực bằng các tuyến giao thông công cộng quy mô lớn và các tuyến trục giao thông chính đường bộ, đường thuỷ.
Về đường bộ, sẽ kéo dài trục động lực phía Nam song song với Quốc lộ 50 và kết nối với đường ven biển tại Tiền Giang. Bổ sung tuyến kết nối với sân bay Long Thành từ trung tâm thành phố qua cầu Phú Mỹ. Bổ sung kết nối về phía Đông với Đồng Nai đến Quốc lộ 20 để giảm tải cho Quốc lộ 1 và đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây . Đồng thời kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang), qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ và kéo dài đến đến cao tốc Bến Lức - Long Thành (Đồng Nai) thông qua đường vào cảng Phước An để hỗ trợ cho cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.
Về đường sắt, kết nối đường sắt TP. HCM - Cần Thơ với TP. HCM - Nha Trang thông qua đoạn tuyến trên cao dọc đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, Vành đai 2 TP. HCM. Trong tương lai đoạn tuyến Hòa Hưng - Bình Triệu - An Bình chuyển thành đường sắt đô thị.
Dự kiến trong quý II/2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM sẽ cùng với các đơn vị liên quan hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 trình Bộ Xây dựng; và dự kiến quý III/2024, đồ án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với các chính sách quản lý phát triển và tổ chức thực hiện quy hoạch, vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội, đồ án quy hoạch lần này được mong đợi sẽ đóng góp để TP. HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
>> Giá chung cư tăng 21 quý liên tiếp, thời gian tới liệu có hạ nhiệt?