‘Việt Nam vươn mình là điểm sáng trong thu hút đầu tư xanh’
Với vấn đề thu hút đầu tư xanh, một số chuyên gia khẳng định Việt Nam có thể sẽ đón nhận làn sóng đầu tư vào sản xuất ít carbon hơn để tuân thủ các chính sách này, qua đó mở rộng đáng kể năng lực nội địa trong các ngành công nghiệp xanh.
(TyGiaMoi.com) - Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư xanh
Ông Jason Lusk, Giám đốc điều hành Clickable Impact, đồng chủ tịch Ủy ban ESG  của AmCham nhận định, Việt Nam đang vươn mình trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư xanh  tại khu vực Đông Nam Á, với những lợi thế vượt trội.
“Cam kết mạnh mẽ thông qua Chiến lược Tăng trưởng Xanh  Quốc gia và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã khẳng định quyết tâm vững chắc của Việt Nam trong việc đồng hành cùng xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Nền kinh tế sôi động với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất khu vực đang mở ra cơ hội vàng cho các công nghệ và hạ tầng xanh trong những năm tới”, ông nói.
Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu trong thu hút đầu tư xanh. |
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA  của Việt Nam với Liên minh Châu Âu cũng gắn Việt Nam với các chính sách thương mại của EU yêu cầu các nhà nhập khẩu khử carbon trong chuỗi cung ứng.
Nhờ đó, Việt Nam có thể sẽ đón nhận làn sóng đầu tư vào sản xuất ít carbon hơn để tuân thủ các chính sách này, qua đó mở rộng đáng kể năng lực nội địa trong các ngành công nghiệp xanh.
Ngoài ra, đối với một trong những lĩnh vực xanh mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là điện gió, điện mặt trời.
“Với nguồn năng lượng mặt trời, gió và thủy điện phong phú, Việt Nam có tiềm năng đáng kể về năng lượng tái tạo. Quy hoạch phát triển điện lực lần thứ 8 và Nghị định 80/2024/NĐ-CP về thỏa thuận mua bán điện trực tiếp ban hành năm ngoái đã đặt nền móng chính sách để đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo”, ông Jason Luck nhận định.“Một điều đáng lưu ý khác là người tiêu dùng Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề liên quan đến bền vững, tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ xanh. Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng này càng thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực xanh”, đại diện AmCham cho hay.
>>Cắt đứt với Nga, EU tìm được ‘cứu cánh’ năng lượng từ Đông Âu 
Cẩn trọng với “gia công xanh”
Tuy nhiên, theo ông Jason Luke, bên cạnh những triển vọng tích cực, cũng tồn tại nguy cơ FDI xanh có thể bị biến tướng thành "gia công xanh" hay chỉ là xanh hóa một hình thức, đặc biệt khi các khoản đầu tư này tập trung chủ yếu vào các thị trường xuất khẩu ngoài EU, nơi mà các cam kết về ESG chủ yếu mang tính chất tự nguyện.
Cẩn trọng với “gia công xanh". |
Điều này tiềm ẩn rủi ro khi một số khoản đầu tư có thể chú trọng vào hình thức hơn là tác động thực sự đến môi trường và xã hội.
Trên thực tế, một số quốc gia trên thế giới cũng đã rơi vào bẫy “gia công xanh”. Indonesia là một ví dụ điển hình. Với nguồn niken dồi dào, quốc gia này trở thành nơi được nhiều công ty quốc tế xây dựng nhà máy pin tại đây, tuyên bố hỗ trợ ngành công nghiệp xanh và chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, các hoạt động khai thác và xử lý niken đã bị chỉ trích vì gây ra ô nhiễm nặng nề cho môi trường địa phương, bao gồm nước thải độc hại và khí thải công nghiệp. Phần lớn niken được sản xuất nhằm phục vụ xuất khẩu sang các quốc gia phát triển, trong khi cộng đồng địa phương phải gánh chịu các hậu quả môi trường. Điều này cho thấy rủi ro “gia công xanh” khi lợi ích chỉ hướng ra thị trường nước ngoài mà không đem lại tác động tích cực thực sự tại nơi đầu tư.
“Từ ví dụ trên có thể thấy rằng, mặc dù FDI có thể mang lại cơ hội phát triển cho các lĩnh vực xanh nhưng nếu không được quản lý và giám sát chặt chẽ, chúng có thể chỉ là những khoản đầu tư bề ngoài, phục vụ mục tiêu “xanh” của nhà đầu tư mà không đem lại giá trị thực sự cho quốc gia nhận đầu tư’, đại diện AmCham nói.
Theo ông Jason Luke, để thoát bẫy gia công xanh, Việt Nam có thể khuyến khích báo cáo minh bạch về các tác động môi trường và xã hội cũng như cần có một cơ chế giám sát và các chính sách rõ ràng để đảm bảo rằng các khoản đầu tư FDI mang lại lợi ích lâu dài và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đặt nền móng khuyến khích FDI xanh thông qua việc ban hành Luật Bảo vệ Môi trường cùng với các chính sách định hướng năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính, cũng như yêu cầu báo cáo liên quan.
Ngoài ra, việc phát triển một bộ tiêu chí xanh quốc gia cũng là yêu cầu cấp thiết để xác định các tiêu chuẩn và điều kiện cho các dự án và khoản đầu tư xanh đủ điều kiện, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và nhất quán trong tài chính xanh, ông nhấn mạnh.
“Trong bối cảnh đó, AmCham sẽ tiếp tục nỗ lực dẫn đầu trong các thực hành tốt nhất và cập nhật các quy định quan trọng ảnh hưởng đến nỗ lực bền vững của các thành viên, đồng thời với tư cách là một cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng trên những nền tảng này để cùng thúc đẩy sự tiến bộ trong việc phát triển tăng trưởng xanh của Việt Nam, hướng tới sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người”, ông Jason Luke khẳng định.