Vượt mặt PAN, LTG, TAR, một cổ phiếu gạo tăng 180% sau 8 phiên nhờ KQKD đột biến
Doanh nghiệp buôn gạo này đang có khoản nợ xấu gần 1.300 tỷ đồng - gần như không đổi suốt nhiều năm qua.
Tổng CTCP Lương thực Miền Nam (Mã VSF  - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với 6.867 tỷ đồng doanh thu và 9,4 tỷ lãi sau thuế - tăng 57% và 114% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, mặc dù doanh thu tăng mạnh song giá vốn bán hàng tăng tỷ lệ thuận dẫn đến biên lãi gộp đi ngang mức 8,4%, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 582 tỷ.
Quý 2, chi phí hoạt động tăng thêm 252 tỷ lên mức đạt 624 tỷ đồng song nhờ khoản doanh thu tài chính 45,6 tỷ (chủ yếu từ lãi chênh lệch tỷ giá) nên VSF thoát cảnh thu không đủ bù chi. Cộng với việc có thêm 9,4 tỷ đồng lợi nhuận khác (phần lớn từ nhượng bán, thanh lý tài sản) nên sau trừ các khoản thuế phí, công ty còn khoản lãi như đã nêu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Lương thực Miền Nam đạt 11.300 tỷ đồng doanh thu và gần 10 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 58% và gấp đôi bán niên 2022.
Công ty thu về 881 tỷ đồng lợi nhuận gộp, 111 tỷ doanh thu tài chính và 15,3 tỷ đồng lợi nhuận khác song cũng chịu tới 992 tỷ đồng chi phí hoạt động và 9,8 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đáng nói, dù báo lãi sau thuế tăng mạnh so với cùng kỳ song công ty mẹ VSF vẫn đang lỗ ròng 6,5 tỷ (cùng kỳ lỗ 7,1 tỷ). Điều này đồng nghĩa việc câu chuyện kinh doanh của Lương thực Miền Nam vẫn đang có vấn đề.
Tại thời điểm 30/6, công ty có 8.843 tỷ đồng tài sản trong đó gần 3.000 tỷ là hàng tồn kho - gấp 2,6 lần đầu năm. Theo ghi nhận, công ty đã tăng dự trữ lượng lớn nguyên vật liệu, thành phẩm và hàng hóa với giá trị 2.700 tỷ đồng).
Các khoản phải thu nhắn hạn giảm mạnh 700 tỷ so với đầu năm còn 1.277 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu gần như không đổi với 1.275 tỷ. Đáng chú ý, giá trị các khoản trích lập dự phòng của Lương thực Miền Nam gần như không thay đổi suốt nhiều năm qua. Trong số này, "con nợ" lớn nhất là CTCP Lương thực Hậu Giang (nợ 148,3 tỷ); Công ty TNHH XNK Thương mại Dịch vụ Võ Thị Thu Hà (nợ gần 140 tỷ) và Công ty TNHH MTV Hòa Tân Lộc (nợ 80,4 tỷ).
Một số cá nhân như ông Mai Hữu Út, ông Nguyễn Thành Hiếu cũng khiến VSF phải trích lập dự phòng tổng cộng 12,5 tỷ đồng nợ xấu.
VSF hiện có 500 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường - tương ứng vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Công ty hoạt động ở một số mảng chính như chăn nuôi chế biến thủy sản, sản xuất kinh doanh bao bì, vận tải, khai thác cảng. Một số sản phẩm kinh doanh chủ đạo gồm gạo, bột ngọt, bánh kẹo,... và sản phẩm mì ăn liền truyền thống.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thông đang nắm 51,43% vốn VSF; cổ đông lớn còn lại là CTCP Tập đoàn T&T (sở hữu 25%).
Vốn lớn song tình hình kinh doanh của công ty khiến cổ đông và nhà đầu tư tương đối thất vọng. Trước khoản lãi 21 tỷ năm 2022, Lương thực Miền Nam đã có 8 năm thua lỗ trước đó. Tại thời điểm 30/6, công ty đang lỗ lũy kế hơn 2.800 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu cũng giảm còn 2.422 tỷ.
Ngược lại, nợ phải trả tiếp tục tăng lên mức 6.420 tỷ đồng trong đó hơn 4.257 tỷ là vay nợ ngắn hạn - tăng 67% so với đầu năm. Vay nợ lớn khiến chi phí lãi vay sau nửa đầu năm tăng mạnh lên mức 95 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, do cơ cấu cổ đông cô đặc (36 cổ đông nắm gần 99,3 vốn), cổ phiếu VSF gần như nằm ngoài túi tiền của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, với những diễn biến đáng chú ý về thị trường gạo trong và ngoài nước thời gian qua (Ấn Độ, UAE, Nga ngừng xuất khẩu gạo, Indonesia tăng cường nhập khẩu,... đẩy giá gạo tăng cao), cổ phiếu VSF bất ngờ tăng dựng trong 8 phiên trở lại đây, thị giá tăng từ 7.900 đồng/cp phiên 21/7 lên 22.000 đồng (kết phiên sáng 2/8) - tương ứng tăng 179%. Đây cũng là mức tăng vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành như PAN, LTG, TAR,...
Tính từ đầu năm, cổ phiếu VSF đã tăng gấp 4,5 lần giá trị (+354%) từ mức 4.300 đồng/cp. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng các yếu tố cơ bản về sức khỏe tài chính, tăng trưởng của Lương thực Miền Nam đang không tích cực cho câu chuyện đầu tư giá trị.