WHO: Đường ăn kiêng không giúp kiểm soát cân nặng

17-05-2023 16:23|Hồng Nhung

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng chất làm ngọt nhân tạo để kiểm soát trọng lượng cơ thể hoặc giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Trong hướng dẫn mới cảnh báo về các sản phẩm như nước soda ăn kiêng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chất làm ngọt nhân tạo có thể không giúp mọi người giảm cân như ý muốn.

Khuyến nghị này dựa trên một đánh giá có hệ thống từ các tài liệu khoa học cho biết những chất làm ngọt nhân tạo không giúp giảm mỡ cơ thể lâu dài. Ngoài ra, việc sử dụng lâu dài các thành phần này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và tử vong sớm.

Francesco Branca, Giám đốc WHO về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho biết: "Mọi người cần xem xét các cách khác để giảm lượng đường tự do, chẳng hạn như tiêu thụ thực phẩm có đường tự nhiên, như trái cây hoặc thực phẩm và đồ uống không đường. Các chất thay thế đường không có giá trị dinh dưỡng. Mọi người nên giảm hoàn toàn đồ ngọt trong chế độ ăn uống, bắt đầu từ khi còn nhỏ để cải thiện sức khỏe".

Khuyến nghị áp dụng cho tất cả mọi người, ngoại trừ những người mắc bệnh tiểu đường vì họ vẫn có thể được hưởng lợi từ việc sử dụng chất thay thế đường.

Khuyến nghị này nhằm vào các chất làm ngọt nhân tạo mà mọi người thường thêm vào cà phê buổi sáng cũng như nhiều loại chất thay thế đường mà các công ty thực phẩm đang ngày càng thêm vào thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống bao gồm bánh mì, ngũ cốc, sữa chua. 

Trước đây, các nhà khoa học từng cho rằng chất làm ngọt nhân tạo phần lớn là chất trơ và lợi ích chính của chúng là giúp mọi người cắt giảm lượng calo từ chế độ ăn hàng ngày. Song nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy chất này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

Một nghiên cứu cho thấy rằng chất tạo ngọt nhân tạo gây ra những thay đổi về cả chức năng và thành phần của hệ vi sinh đường ruột. Một nghiên cứu lớn khác được công bố trên tạp chí BMJ cho thấy việc hấp thụ nhiều chất làm ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch như đột quỵ và bệnh tim mạch vành.

Các nhà nghiên cứu tại Viện INSERM, Pháp, đã phân tích dữ liệu của hơn 100.000 người tại nước này. Trong số 103.000 người tham gia, 79% là phụ nữ và 37% tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo. Nước ngọt chiếm hơn 50% trong số các đồ uống chứa chất tạo ngọt mà họ tiêu thụ.

Nhiều người có thói quen dùng chất tạo ngọt nhân tạo để kiểm soát lượng calo. Các chất làm ngọt nhân tạo phổ biến được WHO liệt kê bao gồm acesulfame K, aspartame, advantame, cyclamate, neotame, saccharin, sucralose, stevia và các dẫn xuất của stevia.

Bệnh nhân đột quỵ gia tăng, nhiều người bị tàn phế

Mỹ có thể rút khỏi WHO ngay trong ngày đầu ông Trump nhậm chức

Theo Kiến thức Đầu tư
Kiến thức Đầu tư
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    WHO: Đường ăn kiêng không giúp kiểm soát cân nặng
    POWERED BY ONECMS & INTECH