Doanh nghiệp

‘Xanh hoá’ giao thông bằng xe điện, cần gần 14 tỷ USD cho trạm sạc

Tâm An 26/11/2024 07:58

Hệ thống trạm sạc được phát triển đầy đủ, xe điện có thể là lựa chọn hàng đầu của những người mua ô tô lần đầu tại thị trường Việt. Theo đó, ở giai đoạn tăng tốc, Việt Nam cần đầu tư khoảng 13,9 tỷ USD vào năm 2040 để thiết lập mạng lưới trạm sạc.

Thiết lập mạng lưới trạm sạc sẽ thúc đẩy tiêu thụ xe điện

“Xanh hoá” giao thông bằng cách chuyển đổi sang xe điện không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050, mà còn giúp Việt Nam tiết kiệm tới 498 tỷ USD từ việc nhập khẩu dầu, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mới…

Báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” của Ngân hàng Thế giới, cho rằng, nếu hệ thống trạm sạc được phát triển đầy đủ, xe điện có thể là lựa chọn hàng đầu của những người mua ô tô lần đầu.

Tuy nhiên, điều kiện đi cùng là phải thiết lập được mạng lưới trạm sạc cần thiết nhằm hỗ trợ mục tiêu sử dụng xe điện. Theo đó, Việt Nam sẽ cần khoảng 2,2 tỷ USD vào năm 2030 đầu tư cho phát triển trạm sạc. Ở giai đoạn tăng tốc, số tiền này sẽ lên tới 13,9 tỷ USD vào năm 2040 và 32,6 tỷ USD vào năm 2050.

Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2027, việc sử dụng xe ô tô điện (xe ô tô con) sẽ tập trung vào các hộ gia đình có thu nhập cao tại Việt Nam. Thế nên, kế hoạch cho mạng lưới trạm sạc công cộng để tối ưu hóa hiệu quả cần được ưu tiên, bắt đầu từ các khu dân cư giá trị cao.

xe dien
Thiết lập được mạng lưới trạm sạc sẽ thúc đẩy tiêu thụ xe điện tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Vinfast

Từ năm 2027 đến 2030, cần mở rộng mạng lưới trạm sạc công cộng ở các khu vực ngoài đô thị. Sau năm 2030, trọng tâm sẽ chuyển từ việc mở rộng phạm vi địa lý sang tăng mật độ ở cả khu vực đô thị và ngoài đô thị để chuẩn bị cho việc sử dụng đại trà xe ô tô điện sau năm 2035, khi hầu hết người Việt đã có đủ khả năng sở hữu xe ô tô con.

“Nếu tốc độ phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng ở khu vực ngoài đô thị được đẩy nhanh thì tỷ lệ thâm nhập của xe ô tô điện có thể tăng nhanh hơn, dẫn đến nhu cầu đối với loại xe này sẽ tăng thêm hơn 2,8 triệu chiếc trong giai đoạn 2024–2035 và 3 triệu chiếc trong giai đoạn 2036–2050", báo cáo ước tính.

Về đầu tư phát triển mạng lưới trạm sạc, nhiều mô hình kinh doanh khác nhau đã xuất hiện trên toàn thế giới. Song, mô hình hợp tác công – tư sẽ là phương tiện chính để thu hút đầu tư cho khía cạnh này.

Các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cho xe điện thường tích cực đầu tư vào mạng lưới trạm sạc để tạo ra môi trường thuận lợi, thúc đẩy việc sử dụng loại xe này.

Ví như trường hợp VinFast tại Việt Nam. Song song với việc tự phát triển hạ tầng trạm sạc khắp Việt Nam, Công ty V-Green của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới đây công bố triển khai thêm mô hình nhượng quyền theo hình thức "doanh nghiệp và người dân cùng làm". Các trạm sạc nhượng quyền này chỉ phục vụ chủ xe máy điện và ô tô điện VinFast, tương tự trạm sạc chính hãng do V-Green đầu tư.

Ngoài các OEM của xe điện, các đơn vị cung cấp điện lực, nhà phân phối xăng dầu và đơn vị khai thác hoạt động sạc chuyên biệt đều có thể cùng quan tâm đến việc đầu tư vào mạng lưới trạm sạc xe điện.

Cần chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc

Do đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên tập trung tạo ra môi trường chính sách giúp thúc đẩy tối đa động lực của khu vực tư nhân và triển vọng kinh doanh liên quan đến việc đầu tư vào mạng lưới trạm sạc.

Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đưa ra các quy định đầy tham vọng về việc sử dụng xe điện với lộ trình cụ thể, thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng về cơ sở hạ tầng sạc, đưa ra các ưu đãi về tài chính và phi tài chính để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào hoạt động sạc và triển khai thí điểm các mô hình kinh doanh hợp tác công - tư để phát triển mạng lưới trạm sạc thông qua các dự án thí điểm do chính phủ thực hiện.

Các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc chính phủ trợ cấp cho cơ sở hạ tầng trạm sạc có thể hiệu quả hơn tới 5–6 lần so với trợ cấp cho việc mua xe điện.

Về tầm quan trọng và kế hoạch phát triển hạ tầng xe điện tại Việt Nam, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng, cần có tính toán về nguồn điện và quy hoạch phân bố các loại trạm sạc ở đâu, như thế nào trên tổng số xe điện.

Khi có cơ chế rõ ràng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra để xây dựng, phát triển các hệ thống trạm sạc trên toàn quốc. Bởi, về lâu dài chắc chắn ô tô điện sẽ phát triển, đầu tư trạm sạc sẽ có lợi, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, hiện các chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi năng lượng và quy trình chuyển đổi sang xe điện của Chính phủ về mặt chủ trương rất mạnh mẽ và rõ ràng.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ mới dừng ở thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ. Trong thời gian tới có rất nhiều việc phải làm về mặt chính sách để hỗ trợ chuyển đổi thành công.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để chuyển đổi sang xe điện thành công thì yếu tố tiên quyết là hạ tầng trạm sạc. Vì vậy, các nỗ lực và chính sách để hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện của Chính phủ nên tập trung vào hỗ trợ xây dựng các trạm sạc trước tiên, bà Hiền chỉ rõ.

Giữa tháng 8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 372 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh. Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư các trạm sạc điện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện.
Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà chung cư, trung tâm thương mại, trong đó quy định các tiêu chuẩn về hệ thống sạc điện trước ngày 31/12/2024. Cùng với đó phối hợp với các bộ ngành, địa phương ban hành hướng dẫn để bổ sung trong quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh, bảo đảm có các hệ thống trạm sạc điện công cộng trong các đô thị phục vụ phương tiện giao thông xanh…

>>Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng triển khai mạng lưới trạm sạc tại Bình Định, cho thuê 1.000 xe điện VinFast

Hòa Phát (HPG) nghiên cứu sản xuất nguyên liệu cho ngành xe điện, 'mỏ vàng' mới trong 25 năm tiếp theo?

Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng triển khai mạng lưới trạm sạc tại Bình Định, cho thuê 1.000 xe điện VinFast

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/xanh-hoa-giao-thong-bang-xe-dien-can-gan-14-ty-usd-cho-tram-sac-2345528.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    ‘Xanh hoá’ giao thông bằng xe điện, cần gần 14 tỷ USD cho trạm sạc
    POWERED BY ONECMS & INTECH