Xuất khẩu nối dài kỳ tích
Năm 2024 được coi là một năm thắng lợi của hoạt động xuất khẩu khi lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt trên 400 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp duy trì xuất siêu, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Nhiều mặt hàng bứt phá ngoạn mục
Với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nên hoạt động xuất nhập khẩu  đã phục hồi tích cực, là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 16,4%. Năm 2024, duy trì xuất siêu ở mức cao gần 25 tỷ USD.
Nổi bật nhất trong bức tranh xuất khẩu là nhóm hàng nông lâm thủy sản, dự kiến cán mốc 62 tỷ USD trong năm 2024, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Con số này vượt xa mức mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đã đặt ra (54 - 55 tỷ USD).
Đơn cử như mặt hàng gạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm Việt Nam có lượng xuất khẩu gạo lớn với trên 8 triệu tấn, giá trị đạt trên 5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu bình quân cũng có thể đạt mức cao nhất, trên 600 USD/tấn. Điều này giúp giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ở mức cao và ổn định.
Tương tự, mặt hàng rau quả cũng là ngành lập kỳ tích về kim ngạch và giá trị. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm nay đạt 7 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây không chỉ là cột mốc ấn tượng mà còn vượt qua mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của năm 2023.
Một ngành khác cũng tự tin với kết quả xuất khẩu, đó là da giày và túi xách. Theo Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt 27 tỷ USD. Hiện da giày là một trong những ngành đang tận dụng rất tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu thời gian qua, TS Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, năm 2024 kinh tế thế giới đã khởi sắc hơn năm 2023, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng giảm, khiến nhu cầu thế giới tăng lên. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất giúp xuất khẩu của Việt Nam đạt kết quả tích cực. Đáng ghi nhận, các DN, gồm cả DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN trong nước đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay ở thời điểm còn khó khăn để sẵn sàng đón nhận cơ hội; khi nhu cầu thế giới tăng trở lại trong năm nay, DN lập tức đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng quan điểm, TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất nhập khẩu đã duy trì được con số kim ngạch tăng trưởng tương đối đều đặn từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN trong nắm bắt thời cơ từ các FTA cũng như cơ hội phục hồi từ thị trường. Bên cạnh đó, DN cũng đầu tư rất tốt cho công nghệ sản xuất sản phẩm, hàng hóa, nhờ đó, hàng hóa Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng.
Vượt thách thức, vươn tới mục tiêu mới
Thành tựu xuất khẩu năm 2024 được xem là bàn đạp, tạo ra những động lực mới cho năm 2025. Hoạt động xuất khẩu sẽ có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng T.Ư.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Mặc dù vậy, xuất khẩu hàng hóa vẫn phải đối mặt với thách thức từ diễn biến địa chính trị phức tạp, các tiêu chuẩn môi trường và lao động khắt khe hơn, cũng như khả năng Mỹ tăng rào cản thương mại dưới chính sách bảo hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ở trong nước, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về tăng trưởng GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số quản trị mua hàng, đơn hàng xuất khẩu… cũng cho thấy bức tranh xuất khẩu khả quan. Cộng đồng DN đang quyết tâm tận dụng đà tăng trưởng xuất khẩu với lợi thế về thị trường, nhất là các FTA thế hệ mới. Do đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng từ 10 - 12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Đề cập về những giải pháp đồng bộ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu, song song với đa dạng hóa thị trường. Một mặt, Bộ duy trì phát triển các thị trường truyền thống, tăng cường phát triển các thị trường gần, các mặt hàng tiềm năng mới.
Mặt khác, Bộ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, DN chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững. “Ngành công thương sẽ tập trung nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua tăng cường truyền thông; đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên chính sách hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là hỗ trợ các DN xuất khẩu trong nước. Theo đó, chính sách hỗ trợ xuất khẩu phải trọng tâm, trọng điểm theo từng ngành hàng và theo chuỗi giá trị. Đối với Bộ Công Thương, tiếp tục thông tin tới các hiệp hội, ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để DN điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với các thị trường.
Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cần được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 10 - 12% so với năm 2024. Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và tìm kiếm đơn hàng.
Cùng với đó, tăng cường giới thiệu các lợi ích từ FTA qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, cũng như phát triển dịch vụ logistics và thương mại biên giới bền vững, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Ngày mai, điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu lên 20% với 13 mặt hàng 
Lộ diện quốc gia là đối tác xuất khẩu số 1 của Mỹ, nuôi sống hàng triệu lao động Mỹ