Yêu cầu tiêu chuẩn rất cao đối với điều tra viên cấp tỉnh được cử làm Trưởng, Phó công an xã
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, quy mô công an xã sau sắp xếp cũng tăng trung bình 3 lần so với hiện nay.
Chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Phát biểu tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị bổ sung thẩm quyền cho điều tra viên của cơ quan điều tra cấp tỉnh được bố trí làm Trưởng, Phó Công an cấp xã vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ông cho biết, theo Nghị quyết 60 ngày 12/4 của Hội nghị Trung ương 11, bộ máy chính quyền địa phương sẽ được tổ chức thành 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã; đồng thời sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, với mục tiêu giảm từ 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Thực hiện chủ trương này, theo Trung tướng Long, số lượng đơn vị công an cấp xã cũng sẽ giảm tương ứng từ 60 - 70%. Trong khi đó, quy mô của các đơn vị công an cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ tăng trung bình gấp 3 lần so với hiện tại.
Để lực lượng công an cấp xã giải quyết kịp thời các vụ việc tại cơ sở, với mục tiêu “gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn”, cũng như nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn của điều tra viên.
Theo đó, đối với các vụ việc, vụ án ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn xã, điều tra viên trung cấp hoặc cao cấp thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, được bố trí làm Trưởng hoặc Phó Công an cấp xã phụ trách công tác phòng, chống tội phạm, sẽ có một số quyền hạn như trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý tin tố giác tội phạm; khởi tố điều tra; kiểm tra hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin tội phạm, vụ án hình sự; quyết định các biện pháp ngăn chặn…

Trung tướng Nguyễn Văn Long cho biết, theo đề xuất này, các đơn vị công an cấp xã sau sắp xếp sẽ có từ 30 - 60 cán bộ, tùy theo quy mô. Riêng tại Hà Nội, mỗi đơn vị cấp xã có thể bố trí khoảng 50 - 60 cán bộ công an xã.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến đánh giá đây là một chính sách rất mới, cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Tiếp thu ý kiến tại phiên họp, ông Tiến cho biết hai cơ quan sẽ tiếp tục trao đổi để hoàn thiện đề xuất trình bổ sung cho phù hợp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 37 liên quan đến thẩm quyền của một số điều tra viên, với yêu cầu tiêu chuẩn rất cao đối với điều tra viên công an cấp tỉnh được cử xuống làm việc tại công an xã.
Ông cũng nhấn mạnh, Viện Kiểm sát nhân dân và Bộ Công an cần phối hợp thảo luận để xây dựng phương án vừa đảm bảo giải quyết công việc thuận lợi, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, vừa giảm tải cho cơ quan điều tra cấp trên và xử lý vi phạm pháp luật kịp thời ngay từ cơ sở.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đồng ý về nguyên tắc và giao các cơ quan liên quan tiếp tục bàn bạc, thiết kế quy định cụ thể.
>> Đề xuất người được bổ nhiệm ở cơ quan Nhà nước phải 'chỉ có một quốc tịch Việt Nam'
Công an treo 'thưởng nóng' cho người báo tin về Trần Văn Luyện
Bộ Công an: Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 dịp lễ 30/4-1/5