100 môi giới bất động sản thì 89 người không có chứng chỉ
Thị trường bất động sản năm 2025 chứng kiến sự trở lại ồ ạt của môi giới sau giai đoạn "đóng băng", nhưng nghịch lý là chỉ hơn 1/10 trong số họ có chứng chỉ hành nghề hợp pháp. Chuẩn hóa nghiệp vụ, tăng cường đào tạo bài bản và minh bạch hóa quy trình cấp chứng chỉ không còn là vấn đề "nên làm" mà là "phải làm" ngay lập tức
89% môi giới 'tay không' ra trận
Sau giai đoạn "đóng băng" thanh khoản cuối 2022 - đầu 2023, năm 2025, thị trường bất động sản đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng môi giới, ồ ạt "nhóm lửa" đón chờ cơ hội phục hồi. Thế nhưng, theo các chuyên gia, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua không chỉ là liều thuốc vực dậy thị trường mà còn là hồi chuông báo hiệu kỷ nguyên "mua dễ, bán dễ" đã khép lại.
Trong bối cảnh mới, môi giới buộc phải trang bị chiến lược bài bản, cần những thay đổi cả về cách nghĩ, cách làm, chuyên nghiệp hơn, nếu không muốn bị bỏ lại trên đường đua khốc liệt này.
![]() |
Vướng mắc trong khâu tổ chức thi sát hạch ở các địa phương đang khiến hơn 6.000 học viên đã hoàn thành đào tạo môi giới bất động sản vẫn "mắc kẹt", chưa thể có chứng chỉ hành nghề. Ảnh minh hoạ. |
>>>Từ 10 tỷ đến 500 tỷ: Bí quyết tăng trưởng đầy bất ngờ của CEO Đất Xanh Duyên Hải
Theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARS IRE), hiện có gần 30.000 nhà môi giới bất động sản trên cả nước. Trong số đó, hơn 6.000 học viên đã hoàn tất chương trình đào tạo theo Thông tư 04 nhưng chưa thể tham gia kỳ thi sát hạch do thiếu hướng dẫn cụ thể tại nhiều địa phương.
Đáng chú ý, 416 doanh nghiệp môi giới phản ánh đang thiếu hụt nhân sự đạt chuẩn, gây khó khăn trong tuyển dụng và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cũng như tiến trình phục hồi của thị trường.
"Có tới 89% lực lượng môi giới hiện chưa có chứng chỉ hành nghề hợp lệ. Cụ thể: 51,8% chưa từng qua đào tạo và chưa có chứng chỉ; 24,1% đã đào tạo nhưng chưa được cấp chứng chỉ; 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hạn và chỉ 11,3% có chứng chỉ còn hiệu lực", VARS IRE thông tin.
Điều này phản ánh thực trạng đáng lo ngại về tính pháp lý hành nghề và cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường đào tạo và minh bạch hóa quy trình tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ.
Rõ ràng, đây là một “cơn bão ngầm” trong ngành, âm ỉ nhưng kéo dài, khiến hàng vạn người rơi vào trạng thái vừa hành nghề, vừa lo lắng vi phạm pháp luật.
TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng VARS IRE, đánh giá: “Chúng ta đang mắc kẹt giữa quyết tâm cải cách và thực tiễn thi hành. Tình trạng trì trệ không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn đe dọa đứt gãy chuỗi phân phối sản phẩm ra thị trường”.
Nâng chuẩn sao cho kịp?
Ghi nhận thực tế, nghề môi giới bất động sản hiện đang mắc kẹt trong một "nút thắt" thể chế đầy nghịch lý: luật đã ban hành, nhưng guồng máy vận hành lại chưa được kích hoạt. Các địa phương vẫn "án binh bất động" trong việc tổ chức thi sát hạch, người muốn vào nghề hoang mang giữa ma trận đào tạo không chuẩn, còn doanh nghiệp thì khát nhân sự có chứng chỉ hợp pháp để tuân thủ quy định. Một "nút thắt cổ chai" đang siết chặt sự phát triển của thị trường, đòi hỏi một lời giải quyết đồng bộ và khẩn trương.
Trong khi đó, 93% người được khảo sát cho biết họ sẵn sàng tham gia kỳ thi sát hạch, cho thấy sự quan tâm và ý thức tuân thủ pháp luật rất cao từ lực lượng hành nghề. Đây là cơ sở quan trọng để tổ chức kỳ thi một cách bài bản, minh bạch, thậm chí nên tính đến hình thức thi trực tuyến hoặc liên tỉnh nhằm mở rộng cơ hội cho người học, đồng thời giảm áp lực cho từng địa phương.
“Vấn đề không nằm ở năng lực tổ chức mà là sự thiếu đồng bộ trong chỉ đạo và thực thi. Nếu các địa phương tiếp tục chờ nhau hoặc ngại trách nhiệm, thì kỳ thi sát hạch sẽ mãi nằm trên giấy", TS. Trần Xuân Lượng nhấn mạnh, đồng thời đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để UBND các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai kỳ thi theo đúng quy định pháp luật, góp phần chuẩn hóa hoạt động môi giới trong giai đoạn thị trường đang tái thiết mạnh mẽ.
![]() |
Bài toán cấp thiết hiện tại là khơi thông "nút thắt" thể chế, đồng bộ hóa quy trình đào tạo, sát hạch và giám sát sau cấp phép để chuyên nghiệp hóa thị trường. Ảnh minh hoạ. |
>>>Bất động sản 2025: 'Bài toán' M&A của doanh nghiệp nội trong bối cảnh ngoại lực áp đảo
Chỉ ra một tầm nhìn rộng hơn về vấn đề chứng chỉ môi giới, GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa 15, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện đơn thuần về địa điểm thi hay đơn vị tổ chức, mà cốt lõi là việc xây dựng một chuẩn mực hành nghề toàn diện, bao trùm từ khâu đào tạo bài bản, quy trình sát hạch nghiêm túc đến cơ chế giám sát chặt chẽ sau khi cấp phép, sẽ tạo ra lực đẩy lớn trong chuẩn hóa nguồn nhân lực môi giới.
"Nếu không có một cơ chế liên thông đồng bộ và minh bạch từ Trung ương xuống địa phương, sự chậm trễ hiện tại có nguy cơ trở thành "vết sẹo" khó lành, kìm hãm sự phát triển bền vững của cả thị trường bất động sản và ngành môi giới trong dài hạn", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, một thị trường bất động sản khổng lồ và phát triển với sự trỗi dậy của các "siêu đô thị" như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, có thể thấy những nét tương đồng về nền tảng thể chế. Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc liên tục có những điều chỉnh chính sách nhằm kiểm soát giá nhà và phòng ngừa rủi ro, các quy định về hành nghề môi giới tại đây cũng được siết chặt.
Đơn cử, người muốn gia nhập thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn về độ tuổi (trên 18), trình độ văn hóa (trên phổ thông trung học) và bắt buộc phải trải qua các kỳ thi sát hạch, huấn luyện kỹ năng bài bản trước khi được phép hoạt động. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, việc thiết lập một khung pháp lý rõ ràng và các tiêu chuẩn hành nghề nghiêm ngặt là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bất động sản.
Theo đó, cứ 2 năm một lần, các cơ quan quản lý bất động sản cấp quận, huyện hoặc cục quy hoạch đất đai sẽ tiến hành "cuộc sát hạch" năng lực đối với tất cả môi giới có chứng chỉ. Bất kỳ sai phạm nào, hoặc việc trốn tránh kiểm tra mà không có lý do chính đáng, sẽ tước đi quyền hành nghề ngay lập tức. Điều này là lời cảnh báo đanh thép cho thấy, trong kỷ nguyên cạnh tranh khốc liệt, chứng chỉ hành nghề không phải là tất cả. Môi giới buộc phải "mài sắc" kiến thức liên tục, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi sau mỗi vòng kiểm định.
Hơn 30 tỷ USD mắc kẹt trong bất động sản: Giải mã điểm mù pháp lý và tìm liều thuốc cho thị trường
Bất động sản 2025: 'Bài toán' M&A của doanh nghiệp nội trong bối cảnh ngoại lực áp đảo