4 thói quen người có nguy cơ mắc ung thư cao thường làm, nhiều người biết nhưng vẫn cố chấp
Một số thói quen sinh hoạt phổ biến có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư nếu không nhanh chóng thay đổi kịp thời.
Những thói quen sinh hoạt  này có thể làm gia tăng nguy cơ  mắc các loại ung thư , bao gồm ung thư đầu cổ, ung thư vú, ung thư tiêu hóa,... nếu không thay đổi kịp thời.
Uống canh quá nóng
Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) đã cảnh báo rằng đồ uống nóng trên 65°C có thể gây ung thư thực quản. Miệng là bộ phận có khả năng chịu nhiệt tốt, nhưng chỉ có thể dung nạp nhiệt độ khoảng 60°C.
Một vết bỏng do súp hoặc canh nóng có thể lành lại sau vài ngày, nhưng nếu tình trạng này tái diễn thường xuyên, tổn thương sẽ trở thành mãn tính, khó phục hồi, làm tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản theo thời gian.
Hút thuốc lá
Các nghiên cứu chỉ ra rằng người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp nhiều lần so với người không hút. Điều này là do các chất độc hại trong thuốc lá và khói thuốc, bao gồm nicotine, benzopyrene,... Những thành phần này giống như những "sát thủ" vô hình, tấn công tế bào trong cơ thể, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và gây đột biến gen.
Từ đó, chúng làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư bàng quang,...
Ngồi lâu và thiếu vận động
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng thừa cân và béo phì là những yếu tố nguy cơ ung thư có thể phòng tránh được, chỉ đứng sau hút thuốc. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tập thể dục đều đặn không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch và chức năng tiêu hóa, mà còn hỗ trợ ổn định hormone trong cơ thể, qua đó giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư.
Một nghiên cứu từ "Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu" cũng khẳng định rằng hành vi ít vận động, chẳng hạn như ngồi hoặc nằm quá 6 giờ mỗi ngày (ngoài thời gian ngủ), có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư như ung thư vú, ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư trực tràng, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
Lý do là thiếu vận động khiến chất béo tích tụ trong cơ thể, làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm khả năng thải độc của cơ thể, dẫn đến các bệnh chuyển hóa, rối loạn hormone, và từ đó làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư.
Ăn ít trái cây và rau củ
Trái cây rất giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, đóng vai trò là "người bảo vệ tự nhiên" cho cơ thể. Chúng giúp duy trì sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim mạch và các rối loạn chuyển hóa.
Tuy nhiên, nhiều người hiện nay ưa chuộng các thực phẩm giàu calo, nhiều chất béo và đường, trong khi lượng rau và trái cây tiêu thụ lại không đủ. Điều này dẫn đến thiếu hụt vitamin và chất xơ, làm ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn trong cơ thể và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Thay vì vậy, bạn nên lựa chọn thực phẩm tự nhiên, chế biến ít dầu mỡ, và cố gắng tiêu thụ từ 400 - 500 gam trái cây và rau củ mỗi ngày. Đồng thời, bổ sung thực phẩm giàu protein như ức gà, cá, tôm, các sản phẩm từ sữa, trứng và duy trì chế độ ăn ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối và đường bổ sung để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
>> Từ ca bệnh mắc ung thư dạ dày, bác sĩ cảnh báo thói quen ăn lẩu