400 triệu người béo phì và 'quả bom' 57 tỷ USD đe dọa siêu cường số 1 châu Á
Chính phủ Trung Quốc hiện đang triển khai nhiều biện pháp, bao gồm chương trình giảm cân và các phòng khám quản lý cân nặng tại bệnh viện, nhằm đối phó với vấn đề này.
Sau nhiều thập kỷ vật lộn với nạn đói, Trung Quốc nay phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng béo phì. Các chuyên gia cảnh báo hơn 65% người trưởng thành tại nước này có thể bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2030.
Trước nguy cơ gia tăng các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường và tim mạch, Bắc Kinh đang chạy đua với thời gian nhằm giảm tải áp lực lên hệ thống y tế.
Năm ngoái, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cùng nhiều cơ quan chức năng đã triển khai kế hoạch kéo dài 3 năm nhằm cải thiện tình hình, bao gồm các khuyến nghị về chế độ ăn uống và vận động.
Tháng trước, Chính phủ nước này tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực bằng kế hoạch mở rộng nhiều “phòng khám quản lý cân nặng” đa ngành tại bệnh viện trên toàn quốc.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet, đến năm 2021, số người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì ở Trung Quốc đã vượt 400 triệu – cao hơn nhiều so với Ấn Độ (180 triệu) hay Mỹ (172 triệu). Dự kiến, con số này có thể tăng lên 630 triệu vào năm 2050.

Nghiên cứu sử dụng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo đó người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể, tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao) từ 30 trở lên được coi là béo phì.
Tuy nhiên, Trung Quốc có tiêu chuẩn riêng: BMI trên 24 được xếp vào nhóm thừa cân, từ 28 trở lên là béo phì. Một nghiên cứu chính thức dự báo rằng đến năm 2030, khoảng 65% người trưởng thành ở Trung Quốc sẽ rơi vào nhóm này.
Chi phí điều trị cho nhóm bệnh nhân béo phì ước tính sẽ lên tới 418 tỷ NDT (57 tỷ USD), tương đương 22% ngân sách y tế quốc gia – tăng mạnh so với mức 8% vào năm 2022.
Tại cuộc họp của cơ quan lập pháp quốc gia và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu hồi tháng trước, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Zhang Wenhong tuyên bố hệ thống y tế sẽ “tập trung giải quyết vấn đề vòng bụng quá khổ”.
“Chúng tôi muốn giúp người dân giảm cân”, ông nói.Nhưng việc thay đổi lối sống không hề đơn giản.

Nhân viên ngân hàng Wang Xiaoni (33 tuổi) chia sẻ rằng cô thường ăn uống nhiều hơn khi căng thẳng hoặc buồn bã, và ít có thời gian tập thể dục.
“Tôi thường ăn vặt khi bất mãn với sếp hoặc phải làm việc quá giờ – điều này xảy ra khá thường xuyên”, cô nói. “Tôi cũng ăn nhiều hơn khi lo sợ bị sa thải. Kinh tế không khởi sắc, nhiều ngân hàng đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng băng tuyển dụng. Bạn bè thời đại học giờ hầu như không nhận ra tôi nữa. Trước đây tôi rất gầy, giờ thì gần như đã chạm ngưỡng béo phì”.
Dù muốn thay đổi, Wang thừa nhận các dịch vụ giao đồ ăn nhanh khiến cô khó cưỡng lại những món như khoai tây chiên, đồ ngọt hay trà sữa.
Theo NHC, gần 1/3 trẻ em Trung Quốc trên 7 tuổi có thể thừa cân hoặc béo phì vào năm 2030, so với mức 19% vào năm 2018.
Bộ Giáo dục đã ban hành nhiều biện pháp ứng phó, như đưa chỉ số BMI vào đánh giá thể chất của học sinh, yêu cầu các trường dành ít nhất 1 giờ/ngày cho hoạt động ngoài trời, giảm bài tập về nhà và kéo dài thời gian nghỉ giữa giờ từ 10 lên 15 phút.

Tuy nhiên, em Chen Yiyang – một học sinh tiểu học tại Bắc Kinh – cho biết em vẫn ăn để “tự thưởng” sau những áp lực thi cử và khối lượng bài vở nặng nề.
Chen tiết lộ: “Em luôn cảm thấy đói. Mỗi tuần phải làm ít nhất 2 bài kiểm tra. Em làm bài đến 11 giờ đêm mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Em học rất chăm nhưng lại luôn xếp dưới trung bình trong lớp. Ăn uống là cách duy nhất để em tự động viên mình”.
Cậu bé cũng cho biết dù có chỉ đạo từ Bộ Giáo dục, trường của em vẫn chưa giảm khối lượng bài tập và thời gian nghỉ giữa giờ thậm chí còn bị cắt ngắn từ 15 xuống 10 phút.
Trong khi đó, ở Thiên Tân, ông Xu Naizhang (76 tuổi) là kỹ sư đã nghỉ hưu và bị thừa cân. Bản thân ông muốn sống lành mạnh hơn nhưng lo ngại chi phí thuốc giảm cân sẽ vượt quá khả năng chi trả, chưa kể đến tác dụng phụ.
“Giờ tôi ăn nhiều rau hơn và tập thái cực quyền mỗi sáng một tiếng. Mỗi lần đi siêu thị tôi đều cân thử. Hy vọng có thể giảm cân trong vòng một năm để kiểm soát huyết áp”, ông nói.
Theo SCMP
Trung Quốc có thể tung quân bài 'Nhân dân tệ' để đàm phán, Mỹ sẽ nới tay thuế quan?
400 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc có thể 'giáng đòn' không tưởng vào Hàn-Nhật, chuyện gì xảy ra?