Lệnh cấm có hiệu lực từ đầu năm 2024, các kho ứng dụng hoặc TikTok sẽ chịu mức phạt tối đa là 10.000 USD/ngày nếu vi phạm.
TikTok là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất thế giới với hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ, thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance.
Trong thời gian qua, nhiều nhà lập pháp Mỹ cáo buộc TikTok là công cụ để chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân của người Mỹ và cung cấp nội dung gây bất lợi cho giới trẻ. Thậm chí hồi tháng 3, giám đốc điều hành của TikTok, ông Shou Zi Chew, đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Tại đây, ông Chew bác bỏ cáo buộc rằng TikTok hoặc công ty mẹ ByteDance là công cụ của chính quyền Trung Quốc. Ông khẳng định TikTok ưu tiên sự an toàn của người dùng trẻ và phủ nhận TikTok gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ.
Tuy nhiên, mới đây, thống đốc bang Montana, Greg Gianforte, đã ký ban hành luật cấm ứng dụng TikTok hoạt động tại bang này.
Montana là bang đầu tiên tại Mỹ cấm TikTok. |
Bang đầu tiên tại Mỹ cấm TikTok
Cụ thể, ngày 17/5, thống đốc Greg Gianforte đã ký ban hành luật cấm các kho ứng dụng di động cho tải TikTok trong phạm vi lãnh thổ bang. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, đưa Montana trở thành bang đầu tiên ở Mỹ cấm toàn diện ứng dụng truyền thông xã hội TikTok.
Theo đó, không chỉ cấm TikTok hoạt động trong Treasure State và loạt các cửa hàng ứng dụng, chẳng hạn như Google Play và Apple Store, luật mới còn quy định TikTok và các cửa hàng ứng dụng còn phải chịu mức phạt 10.000 USD cho mỗi lần vi phạm, và tiếp tục tăng thêm 10.000 USD/ngày nếu tiếp tục vi phạm. Các mức phạt không áp dụng với người dùng.
Theo Thống đốc Greg Gianforte, luật mới nhằm bảo vệ người dân Montana trước nguy cơ bị giám sát.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2022, Thống đốc Gianforte chỉ cấm TikTok trên các thiết bị của chính quyền bang với lý do nền tảng này gây ra "rủi ro đáng kể" đối với dữ liệu nhạy cảm của nhà nước. Hiện có hơn một nửa số bang ở Mỹ và chính phủ liên bang cũng đưa ra lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
Phản hồi về quyết định của bang Montana, TikTok khẳng định luật cầm này “vi phạm Tu chính án thứ nhất ở Mỹ về quyền của người dân. Bang Montana đã cấm TikTok bất hợp pháp”. Bên cạnh đó, nền tảng mạng xã hội này cũng cho biết sẽ bảo vệ quyền lợi của người dùng trong và ngoài bang.
Liệu có dễ thực hiện?
Trên thực tế, ngày càng nhiều nhà lập pháp Mỹ kêu gọi cấm TikTok trên toàn quốc vì lo ngại Trung Quốc gây ảnh hưởng đối với nền tảng. Lệnh cấm của bang Montana vừa ban hành là hành động chống lại TikTok mạnh tay nhất trong các bang ở Mỹ. Quyết định cũng sẽ là phép thử nghiệm liệu Mỹ có thể cấm TikTok triệt để hay không.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng lệnh cấm này sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý rộng lớn. Theo các luật sư, một trong những khó khăn tiềm ẩn là lo ngại về quyền tự do ngôn luận. Keegan Medrano, giám đốc chính sách của Liên minh tự do dân sự Mỹ tại bang Montana, cho rằng cơ quan lập pháp bang đã "vi phạm quyền tự do ngôn luận của hàng trăm nghìn người dân Montana, những người sử dụng TikTok để thể hiện bản thân, xem tin tức hoặc kinh doanh nhỏ".
“Montana sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục tòa án rằng lệnh cấm này phù hợp”, theo Jameel Jaffer, giám đốc điều hành tại Đại học Columbia. Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump cũng từng nỗ lực cấm tải TikTok và WeChat thông qua quy định của Bộ Thương mại vào năm 2020, nhưng bị tòa án phản bác và chưa thực hiện được.
Trong khi đó, những người phản đối cho rằng đây là hành vi thái quá của chính quyền bang. Người dân Montana hoàn toàn có thể dễ dàng lách lệnh cấm bằng cách sử dụng mạng ảo chuyên dụng (cho phép chuyển địa chỉ IP máy tính, mã hoá dữ liệu của người dùng, ngăn chặn người khác quan sát hoạt động trên internet của họ).
Bằng chứng là đã có 5 người sử dụng TikTok đệ đơn kiện lên tòa án quận Montana nhằm ngăn chặn lệnh cấm mới của tiểu bang đối với nền tảng này.
Những người dùng này lập luận rằng lệnh cấm mà Thống đốc Greg Gianforte ký hôm 17/5 vượt xa thẩm quyền pháp lý của một tiểu bang. Bên cạnh đó, họ khẳng luật cấm TikTok của bang vi phạm các quyền của họ trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, liên quan đến quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và quyền kiến nghị chính phủ giải quyết những bất bình.
“Chính quyền Montana không thể cấm người dân xem hoặc đăng lên TikTok, giống như họ không thể cấm Tạp chí phố Wall vì chủ sở hữu hoặc những bài viết mà họ xuất bản”, đơn kiện nêu rõ.
Vụ kiện được giao cho thẩm phán Donald Molloy, người được Tổng thống Đảng Dân chủ Bill Clinton bổ nhiệm vào năm 1995, theo Reuters. Trong khi đó, một phát ngôn viên của tổng chưởng lý Montana khẳng định văn phòng của ông đã “dự kiến việc phát sinh thách thức pháp lý” và “đã chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ luật này".
Tổng thống Trump ra tay, liệu TikTok có được cứu? 
Dân mạng ngỡ ngàng trước 'báu vật vườn nhà' xưa nay hiếm, bám tường trổ quả như mưa