2 nhầm lẫn về cung cấp dinh dưỡng cho trẻ
Bữa sáng chỉ đủ no, không đủ chất
Theo khảo sát dinh dưỡng Khu vực Đông Nam Á (SEANUTS II) được Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam công bố năm 2022, dù hơn 90% trẻ em Việt Nam đã được ăn sáng, vẫn có đến 50% trẻ không đáp ứng nhu cầu vi chất dinh dưỡng cần thiết. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng này xuất hiện ở cả hai nhóm: thấp còi và thừa cân béo phì.
Theo BS. Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhiễm khuẩn TP.HCM, hầu hết phụ huynh Việt Nam mắc phải thói quen “trong bữa sáng, con trẻ thường no cái bụng chứ không chắc đã đủ chất, vì cha mẹ… bận quá mà. Đầy bụng khác với đủ no”.
Cho con uống nước giải khát nhưng vẫn tưởng là “sữa”
Lý giải về việc chọn sản phẩm chứa sữa cho trẻ, các khách mời hội thảo đã chỉ ra “bệnh tâm lý" của đa số cha mẹ Việt Nam: nhiều người cứ nghĩ sữa là tốt rồi, lại bổ sung thêm trái cây, có nghĩa là sữa có thêm trái cây chắc chắn tốt hơn, hay sữa bổ sung ca cao, thêm sô-cô-la… Tuy nhiên, khi con người luôn luôn nghĩ thêm một cái gì thì có nghĩa là tốt hơn, đó chính là “bẫy".
“Khá nhiều phụ huynh chưa phân biệt được sữa nuôi và nước giải khát có chứa sữa để uống chơi”, BS. Trương Hữu Khanh bày tỏ.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành, sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa hỗn hợp phải có độ đạm đạt 2,7g/100ml sữa.
Giám đốc kinh doanh cấp cao của một doanh nghiệp sữa chia sẻ: “Trên thị trường đang có hiện tượng đánh tráo khái niệm. Một số nhà sản xuất, nhà cung cấp thu nhỏ những thông tin dinh dưỡng quan trọng trên nhãn mác sản phẩm, trong khi đó lại phóng to những thông tin khác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ví dụ, phóng to chữ “sữa”, nhưng ở nhãn phụ thực ra độ đạm chỉ có 0,2gr hoặc 0,3 - 0,5gr, chứ không được 2,7gr theo quy chuẩn của Bộ Y Tế”.
Cần chú ý thông tin dinh dưỡng trên bao bì sữa
Chị Uyên Bùi (Hà Nội) là người tiêu dùng kỹ tính, có kiến thức về dinh dưỡng. Chị thường xuyên mua sữa cho con, song vẫn nhầm lẫn về tỉ lệ sữa trong sản phẩm. Chị Uyên Bùi chia sẻ: “Chính tôi sau một thời cho con uống nước uống dinh dưỡng đã vô tình nhận ra: thức uống đó là nước chứa cacbohiđrat rất cao, sữa chỉ chiếm 5%, đạm của nó chỉ có khoảng 0,3gr. Vậy mà trên bao bì, các sản phẩm vẫn in to từ “sữa”, khiến người mua hiểu nhầm”.
Theo các chuyên gia, “bẫy dinh dưỡng” trên nhãn sữa đã “câu” được nhiều người tiêu dùng trong một thời gian dài. Chủ yếu lợi dụng tâm lý của người mua: cứ thấy chữ “sữa” được in trên bao bì thì nghĩa đó là “sữa thật”, đúng quy chuẩn của Bộ Y tế, từ đó dễ dàng bỏ qua bước kiểm tra thành phần - vốn luôn công khai trên bao bì.
“Hầu hết các loại nước giải khát gắn mác “sữa” thường in chữ “sữa” rất to, cực kì bắt mắt, nhưng thành phần khác biệt. Phụ huynh nên kiên nhẫn đọc đến thành phần để chọn sản phẩm tốt nhất cho con”, chuyên gia cho biết thêm
Đại diện các doanh nghiệp sữa phát biểu trong tọa đàm, bà Tạ Thuý Hà - Giám đốc Kinh doanh cấp cao Công ty FrieslandCampina, nhãn sữa Cô gái Hà Lan chia sẻ: “Khi cha mẹ bổ sung dinh dưỡng từ sữa tươi cho con, thực sự ly sữa ấy phải là một ly sữa chứa đầy đủ thành phần dinh dưỡng. Chúng tôi rất mong có được tất cả sự chung tay của các ban ngành, doanh nghiệp để giúp cha mẹ dễ dàng chọn lựa đúng sản phẩm cung cấp giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ em Việt Nam”.
Thu Loan
‘Hạt tỷ đô’ của Việt Nam lập kỷ lục mới, khiến Mỹ, Trung Quốc, EU mê mẩn 
Dân mạng ngỡ ngàng trước 'báu vật vườn nhà' xưa nay hiếm, bám tường trổ quả như mưa