Bên trong nhà hát mang biểu tượng chiếc nón Việt đặc trưng, du khách trong và ngoài nước mê mẩn check-in
Du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Bạc Liêu, ghé thăm quảng trường Hùng Vương và Nhà hát Cao Văn Lầu có hình ba nón lá đan xen nhau, ai cũng ngợi khen.
Tọa lạc gần Quảng trường Hùng Vương, phường 1, TP Bạc Liêu, nhà hát Cao Văn Lầu còn được biết đến với cái tên “Nhà hát 3 nón lá” với thiết kế độc đáo 3 chiếc nón lá đan xen với nhau. Nhà hát còn đạt kỷ lục là “nhà hát có hình 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam” vào năm 2014.
Với tổng diện tích hơn 2.000 m2, nhà hát  Cao Văn Lầu được quy hoạch thành 3 khối nhà có hình trụ tròn, mái nhà được cách điệu hình nón lá, đan xen vào nhau với đường kính và chiều cao lớn nhất lần lượt là 45 và 24 mét. Mái được xây dựng bằng vật liệu composite, mô phỏng đúng màu và thiết kế của chiếc nón lá - biểu tượng của Việt Nam.
Ba chiếc nón lá “che chở” cho 3 tòa nhà A, B và C. Nhà A là nơi diễn ra những sự kiện, chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại trong tỉnh với sức chứa gần 900 chỗ. Nhà B là khu vực các phòng sự kiện, hội thảo, hội nghị lớn và nhà C là khuôn viên trưng bày triển lãm những tác phẩm, công trình nghệ thuật văn hóa Việt Nam cũng như của địa bàn tỉnh.
Chiếc nón lá là hình ảnh gắn liền với sự dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài dịu hiền của người phụ nữ Việt Nam, cũng như sự chịu thương, chịu khó của những người nông dân tần tảo. Đây còn là biểu tượng mang ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh Bạc Liêu, thể hiện ẩn dụ sự gắn bó sâu nặng của ba dân tộc anh em chính tại mảnh đất miền Tây: Kinh - Hoa - Khmer. Ý nghĩa đặc biệt này thể hiện sự độc đáo trong kiến trúc, cũng như thông điệp sâu xa về tình đoàn kết keo sơn của dân tộc Việt Nam.
Hồ nước trong khuôn viên cũng là điểm nhấn của công trình “độc đáo” này. Với tổng diện tích hơn 1.800 m2, trong đó giữa hồ là lối đi cong cong cho khách tham quan, uốn lượn suốt chu vi mặt hồ. Mặt hồ phủ kín hoa sen và hoa súng, thả cảnh các loại cá giúp mặt hồ thêm phần sinh động.
Nhà hát được đặt theo tên của cố nhạc sĩ tài năng Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang”. Thành phố Bạc Liêu  cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của ông.
Nhà hát cũng là nơi tổ chức, diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật bao gồm các chương trình cải lương, dù kê, múa đương đại và truyền thống. Không chỉ là địa điểm hấp dẫn, thu hút giới trẻ đến check in, chụp hình, nhà hát còn hấp dẫn nhiều lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến trung niên khi ghé thăm Bạc Liêu.
Danh tính đại gia chủ căn bạch dinh lộng lẫy báo ngoại khen hết lời "bắt mắt nhất Việt Nam"