Bức tranh sáng - tối ngành vận tải biển: Kẻ lợi nhuận "tí hon", người báo lãi kỷ lục
Giữa những biến động của thị trường, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển trong quý 2/2023 có sự chênh lệch trái chiều.
Sau khi lập đỉnh vào tháng 9/2021, giá cước vận tải biển bắt đầu điều chỉnh, giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang những tháng đầu năm nay.
Kinh tế toàn cầu ảm đạm, sức tiêu dùng suy giảm gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vận tải biển. Theo giá trị ước tính xuất – nhập khẩu hàng hóa thông qua container đường biển 5 tháng đầu năm nay ở Việt Nam lần lượt đạt 77 tỷ USD (giảm 9% so với cùng kỳ) và 51 tỷ USD (giảm 22% so với cùng kỳ).
Trái ngược với bức tranh sáng màu về giá cước cho thị trường xuất nhập khẩu lại là khoảng tối cho vận tải biển. Sau gần 2 năm thăng hoa về giá cước, vận tải biển đang quay trở lại với “thời kỳ đen tối” khi nguồn hàng khan hiếm. Thêm vào đó, năm 2023, trước sự gia tăng nguồn cung tàu container, các hãng tàu có thể phải tiếp tục bước vào cuộc đua giảm giá cước để giành khách hàng giữa bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn.
“Đói” hàng và thị trường suy thoái, nhiều doanh nghiệp vận tải biển buộc phải cắt tuyến, bán bớt tàu do không chịu nổi áp lực tài chính. Công ty TNHH vận tải biển H.C (Hải Phòng) cho biết, trước năm 2022 doanh nghiệp này có đến 6 tàu chạy nội địa và quốc tế. Tuy nhiên từ giữa năm 2022 giá cước giảm sâu cùng việc khan hiếm đơn hàng nên công ty phải bán 2/3 số tàu nhằm giảm bớt chi phí và lương thuyền viên. Hiện doanh nghiệp chỉ còn 2 tàu chạy tuyến Hải Phòng – TP. HCM. Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn tuy chưa rơi cảnh bán tàu nhưng cũng phải cắt tuyến để giảm áp lực chi phí.
Theo các doanh nghiệp vận tải biển, mức cước vận tải container đang giảm mạnh, đặc biệt trên các tuyến quốc tế. Trên tuyến Hồ Chí Minh - Port Klang (Malaysia), giá cước vận chuyển có mức khoảng 6,5 - 8 triệu đồng/container 40 feet và khoảng 4,3 triệu đồng/container 20 feet. Trong khi tại thời điểm tháng 4/2022, giá vận tải trên tuyến này tương ứng khoảng 26 - 40 triệu đồng/container 40 feet và khoảng 13 - 19 triệu đồng/container 20 feet.
Giai đoạn đầu năm, giá cước vận tải biển đã giảm sâu khi nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu suy yếu, tuy nhiên với việc kinh tế phục hồi tốt hơn kỳ vọng, thị trường vận tải biển cũng được dự báo sẽ đi lên trở lại.
Trong năm nay, các hãng vận tải biển đã nỗ lực ứng phó cơn suy thoái nhu cầu bằng cách giảm công suất thông qua các biện pháp như hủy ghé cảng và giảm tốc độ vận hành của tàu.
Nhiều doanh nghiệp báo lãi "tí hon"
Nhìn vào bức tranh ngành cảng biển 6 tháng đầu năm 2023, có nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Trong số những doanh nghiệp cảng biển, VOS là doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cao nhất với mức tăng 43%, tiếp đến là VSC, CDN, PDN, SGP...
Bên cạnh đó, GMD dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng gấp 5 lần cùng kỳ, xếp sau đó là PHP, PDN,... Gemadept lãi hàng nghìn tỳ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu tài chính.
Ngược lại, những doanh nghiệp có sự sụt giảm lợi nhuận trong quý 2 là MVN, HAH, SGP... Trong đó Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN) ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm sú sút mạnh 46% về mức 907 tỷ đồng. Còn vận tải Hải An (HAH) báo lãi sụt giảm đến 65% xuống còn 206 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù tình hình kinh doanh nhiều doanh nghiệp nhóm cảng biển giảm sút trong 6 tháng đầu năm 2023, tuy vậy không ghi nhận doanh nghiệp nào báo lỗ.
Cụ thể, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (MCK: HAH ) là một trong những doanh nghiệp sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong quý 2/2023, doanh nghiệp thu về 611 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh 75% xuống còn hơn 80 tỷ đồng. Đây là mức lãi thấp nhất của doanh nghiệp kể từ quý 2/2021.
Trong kỳ, sản lượng, doanh thu hoạt động khai thác giảm vì trong thời gian nâng cấp sửa chữa lại mặt bãi. Sản lượng hàng vận chuyển và giá cước biển giảm, giá cho thuê tàu giảm mạnh và các chi phí tăng lên dẫn đến kết quả kinh doanh không thuận lợi.
Hai doanh nghiệp vận tải biển là CTCP Vận tải biển Việt Nam - Vosco (Mã: VOS ) và CTCP Vận tải Biển Vinaship (Mã: VNA ) cũng chứng kiến mức lợi nhuận "tí hon" trong quý 2. VNA chỉ mang về hơn 500 triệu đồng lợi nhuận, giảm gần 100% so với cùng kỳ.
Vận tải biển Việt Nam ghi nhận 1.042 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, Vosco vẫn báo lãi quý 2 lao dốc gần 100%, chỉ còn hơn 1 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp kể từ lần âm trong quý 2/2021.
Tương tự, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC (MCK: MVN ) đã ghi nhận 3.364 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15% so với cùng kỳ. "Anh cả" ngành cảng biển bão lãi sau thuế giảm mạnh 48% còn hơn 511 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng, VIMC đạt 6.213 tỷ đồng doanh thu (giảm 14% so với cùng kỳ) và đạt 907 tỷ đồng lãi sau thuế (giảm 46% so với thực hiện năm 2022).
Doanh nghiệp lý giải, kết quả kinh doanh thụt lùi chủ yếu do thị trường cảng biển ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi lượng container về ít trong khi các cảng, dịch vụ về cảng xuất hiện ngày càng nhiều.
CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP ) cũng đã ghi nhận doanh thu giảm 29% trong quý 2, đạt 232 tỷ đồng và 109 tỷ đồng lãi sau thuế.
SGP dự báo, năm 2023 còn nhiều khó khăn khi tình hình kinh tế vĩ mô đang còn nhiều biến động và khu vực đồng tiền chung châu Âu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi đó Trung Quốc hứng chịu gián đoạn liên quan đến đại dịch và sự suy thoái của thị trường bất động sản, và đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng chậm lại.
Cảng Sài Gòn đặt mục tiêu trong năm 2023 là sản lượng đạt 10 triệu tấn, doanh thu hợp nhất 1.250 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 555 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 19% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Điểm sáng giữa bức tranh tối màu của ngành vận tải biển
Ở chiều ngược lại, CTCP Gemadept (MCK: GMD ) là doanh nghiệp vận tải biển có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2/2023. Gemadept ghi nhận 912 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2, giảm 7% so với cùng kỳ. Đáng nói, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng đột biến, đạt 1.863 tỷ đồng - gấp gần 466 lần cùng kỳ. Doanh thu này chủ yếu từ khoản lợi nhuận bất thường từ việc chuyển nhượng phần vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ.
Kết quả, Gemadept báo lãi quý 2/2023 đạt 1.711 tỷ đồng - gấp 5,1 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Năm 2023, Gemadept đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.920 tỷ đồng và 1.136 tỷ đồng lãi sau thuế (kế hoạch chưa bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ). Với kết quả này, công ty đã vượt 120% kế hoạch lợi nhuận.
Hay như CTCP Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN ) , trong quý 2/2023, doanh nghiệp đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng. Cụ thể, Cảng Đà Nẵng đạt 307 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 101 tỷ đồng, tăng 5% so với quý 2/2022.
Mặc dù mức tăng không quá nổi bật song đây vẫn là kết quả kinh doanh nổi bật trên thị trường vận tải biển nói chung.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu, tốc độ tăng trưởng của thị trường tàu hàng khô trong năm 2023 sẽ đạt mức 1,5 - 2,5%. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023, số lượng tàu hàng khô đóng mới được giao ở mức cao, cũng vẫn tác động mạnh lên nguồn cung tàu và giá giao ngay sẽ khó có thể tăng trưởng lên mức cao như hồi 2022.
Thị trường tàu container trong nửa cuối năm 2023 được dự báo sẽ diễn biến chậm do số lượng tàu đóng mới được giao ở mức cao (120 chiếc), trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hoá thấp như hiện nay sẽ xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung. Các hãng tàu được cho là sẽ tiếp tục giảm giá cước vận chuyển như trong nửa đầu năm để đảm bảo hoạt động của đội tàu.
Giá gạo tăng cao, doanh nghiệp lương thực kẻ lãi to, người lỗ nặng