Các khu công nghiệp liên tục hút đầu tư: Hơn 1 tỷ USD vốn FDI chảy về Đồng Nai mỗi năm
Đồng Nai sẽ tiếp tục bứt phá trong thu hút FDI, khi làn sóng đầu tư nước ngoài đang dồn mạnh vào Việt Nam.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Đồng Nai đã thu hút 91 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 74 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký hơn 684 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các khu công nghiệp.
Đáng chú ý, trong 17 dự án đầu tư trong nước, có một dự án đầu tư vào phát triển hạ tầng khu công nghiệp, với tổng vốn thu hút hơn 123.300 tỷ đồng, tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ năm 2023 về vốn đăng ký cấp mới.
Các dự án FDI mới trong năm 2024 tại Đồng Nai chủ yếu thuộc các ngành sản xuất như chất bán dẫn, linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo và dệt may. Suất đầu tư bình quân đạt 7,8 triệu USD/ha, với số lượng lao động bình quân là 79 người/ha. Đặc biệt, không có dự án nào thuộc danh mục ngành nghề gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng lao động với cường độ cao.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai cho biết, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu thu hút đầu tư FDI vào các KCN từ giữa tháng 5/2024, đạt gần 167% kế hoạch đề ra cho cả năm.
>> Đồng Nai thêm mới 17 khu công nghiệp, quy hoạch phát triển xanh để thu hút nhà đầu tư 
Dự báo trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục bứt phá trong thu hút FDI, khi làn sóng đầu tư nước ngoài đang dồn mạnh vào Việt Nam. Từ năm 2021 đến gần hết quý III/2024, tỉnh đã thu hút được trên 4,8 tỷ USD vốn FDI. Dự kiến đến cuối năm 2024, Đồng Nai có khả năng hoàn thành mục tiêu thu hút 5-6 tỷ USD FDI trong giai đoạn 2021-2025. Những năm gần đây, vốn FDI vào Đồng Nai luôn vượt chỉ tiêu đề ra, với trung bình mỗi năm đạt từ 1-1,1 tỷ USD.
Theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai hiện có 48 khu công nghiệp, trong đó 33 khu đã có nhà đầu tư. Tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thêm các khu công nghiệp mới, nhằm tạo quỹ đất cho các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử và bán dẫn.
Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, với việc sân bay Biên Hòa được Thủ tướng phê duyệt chuyển đổi thành sân bay lưỡng dụng, cùng với sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2026, đây sẽ là những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đột phá của tỉnh. Sân bay Long Thành, với vị trí chiến lược đặc biệt, không chỉ đóng vai trò quan trọng cho cả nước mà còn là "thỏi nam châm" thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Đồng Nai.
>> 23 cụm công nghiệp hơn 1.500ha tại TP. HCM có nguy cơ bị 'xoá sổ'