Dự án cầu Trần Hưng Đạo có quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp và 2 làn đi bộ.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, về dự án đầu tư theo hình thức PPP cầu Trần Hưng Đạo, Sở đã chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
Đến nay, đã cơ bản hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và đủ điều kiện để nhà đầu tư thực hiện trình thẩm định theo quy định (bao gồm cả việc nghiên cứu tách hạng mục đường dẫn đầu cầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh thành dự án riêng theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 64/TB-VP ngày 07/02/2024).
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, dự án cầu Trần Hưng Đạo bao gồm dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Văn Linh.
Dự án nằm trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Trong đó, dự án xây cầu Trần Hưng Đạo có quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp và 2 làn đi bộ. Tốc độ thiết kế 80km/h và tổng mức đầu tư khoảng 9.982 tỷ đồng (GPMB: 3.939 tỷ đồng, xây lắp 6.034 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết dự án hiện đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn phương án tài chính.
Cụ thể, theo phương án tài chính 1 (vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70,4%) có điểm thời gian hoàn vốn (26 năm) nhưng chưa phù hợp với quy định về việc sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Khoản 2, Điều 69).
Trong khi đó, phương án tài chính 2 (vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%) phù hợp với quy định về việc sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhưng không có điểm thời gian hoàn vốn.
Còn về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Văn Linh, tổng chiều dài dự án khoảng 2,94km, có điểm đầu tại khu vực giao cắt với đường đê Xuân Quan – Cổ Linh (bao gồm nút giao với đường Cổ Linh), thuộc địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên. Khớp nối với điểm cuối dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo
Điểm cuối dự án kết nối với phố Vũ Đức Thận, thuộc địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên.
Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 2.742 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB 1.004 tỷ đồng, xây lắp 1.738 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải cho biết việc đầu tư dự án tuyến đường kết nối cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Văn Linh là cần thiết, tuyến đường sau khi xây dựng sẽ kết nối từ cầu Trần Hưng Đạo với trung tâm quận Long Biên góp phần giảm tải cho cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND Thành phố giao đơn vị lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn đầu tư công.
Sông Hồng (hay còn có tên gọi khác là sông Cái, sông Cả, sông Thao, Nhị Hà, Nhĩ Hà) bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với tổng chiều dài 1.149km, trong đó đoạn dòng chảy trên đất Việt Nam dài 556km.
Sông Hồng chảy vào Hà Nội từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì, đoạn chảy qua Thủ đô dài tới 163km, chiếm 1/3 chiều dài của con sông này tại lãnh thổ Việt Nam. Các quận, huyện con sông này chảy qua gồm: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.
>> Lộ diện 4 địa phương được xác định là cực tăng trưởng của khu vực Đồng bằng sông Hồng