Châu Âu bất ngờ giúp ngành công nghiệp khí đốt Nga phục hồi 'mạnh không tưởng'
Sản lượng khí đốt của Nga trong 6 tháng đầu năm vượt dự báo của Chính phủ
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê Nhà nước Nga (Rosstat), tổng sản lượng khí đốt tự nhiên và khí đồng hành của Nga đã tăng hơn 8%, đạt khoảng 346 tỷ mét khối trong 6 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu chính thức cho thấy sản lượng khí đốt năm 2023 đạt 638 tỷ mét khối và năm 2022 là 676 tỷ mét khối, thấp hơn so với mức 763 tỷ mét khối trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2021.
Sự phục hồi không tưởng này đến từ việc gia tăng xuất khẩu qua đường ống sang Trung Quốc và Uzbekistan . Bên cạnh đó, nhu cầu khí đốt trong nước tăng mạnh từ các nhà sản xuất phân bón và các nhà máy điện cũng góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng này, theo nhận định của ông Dmitry Kasatkin, đối tác tại Kasatkin Consultancy có trụ sở tại Moscow.
Mặc khác, ngành công nghiệp năng lượng của Nga dường như đang hưởng lợi từ việc đóng cửa một số nhà máy sản xuất phân bón lớn ở châu Âu do giá khí đốt tăng vọt sau xung đột Ukraine. Các nhà sản xuất Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang châu Âu, tăng sản lượng amoniac, urê và các nguyên liệu đầu vào khác, từ đó tiêu thụ nhiều khí đốt hơn.
Theo các nhà phân tích, sản lượng khí đốt của Nga tăng mạnh sau khi giá khí đốt giao ngay tại châu Âu leo thang vào năm 2022 và đầu năm 2023. Tình trạng này khiến việc sản xuất phân bón ở châu Âu  trở nên thua lỗ do chi phí tăng cao, buộc một số nhà máy phải đóng cửa.
Nga đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, cung cấp các sản phẩm thay thế với giá cạnh tranh hơn. Theo số liệu từ Eurostat - cơ quan thống kê của Ủy ban châu Âu, lượng amoniac và urê nhập khẩu từ Nga vào EU - được sử dụng để sản xuất phân bón và không nằm trong danh sách bị trừng phạt - đã tăng trưởng hai con số kể từ năm 2022.
Đáng chú ý, trong năm tính đến tháng 6/2023, châu Âu đã nhập khẩu lượng urê từ Nga gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lượng nhập khẩu từ Nga trong mùa hiện tại (năm tính đến tháng 6 năm nay) có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao kỷ lục, chiếm một phần ba tổng lượng urê nhập khẩu vào EU.
Tận dụng xu hướng thuận lợi
Ông Kasatkin chia sẻ với Upstream rằng Nga đã nắm bắt được xu hướng thuận lợi trong năm nay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng khí đốt.
Gazprom đã từng bước tăng lượng khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường ống Sila Sibiri 1 . Công ty kỳ vọng lượng khí đốt giao hàng sẽ đạt mức tối đa theo hợp đồng là 38 tỷ mét khối vào năm 2025.
Năm ngoái, Gazprom cũng đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Uzbekistan, đòi hỏi phải đảo ngược hướng dòng khí đốt thông qua hệ thống đường ống cũ ở các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ.
Tập đoàn khí đốt trụ cột của Nga vẫn duy trì việc cung cấp khí đốt ổn định tới châu Âu qua hai tuyến xuất khẩu còn lại, đi qua Ukraine và đường ống ngầm TurkStream băng qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhu cầu khí đốt trong nước của Nga cũng tăng lên khi các nhà máy điện sản xuất nhiều điện chạy bằng khí đốt hơn. Thời tiết nóng cũng thúc đẩy nhu cầu làm mát của các hộ gia đình và cơ sở công nghiệp, ông Kasatkin cho biết.
Các nhà sản xuất phân bón của Nga đã tăng đáng kể sản lượng và xuất khẩu sang châu Âu, đồng thời sử dụng nhiều khí đốt hơn trong quá trình này.
Chính phủ Nga đặt ra giá khí đốt trong nước do tập đoàn Gazprom phân phổi chỉ bằng một phần nhỏ giá khí đốt của châu Âu. Nhiều công ty độc lập như Novatek thường bán khí đốt với giá thậm chí còn thấp hơn mức trần do nhà nước quy định cho người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng, chính quyền Moscow đã ngừng công bố dữ liệu về hiệu suất hoạt động của từng hãng cung cấp dầu khí. Vì vậy, thị phần của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom trong tổng sản lượng khí đốt của Nga nửa đầu năm nay chưa được công bố.
Sản lượng LNG (khí hóa lỏng) tăng vọt
Theo báo cáo của Rosstat, sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 5% tại 4 dự án xuất khẩu đang hoạt động của Nga, bao gồm Yamal LNG, Sakhalin 2, Prigorodnoye LNG và Vysotsk LNG, đạt tổng cộng 17,3 triệu tấn.
Năm 2022, các lệnh trừng phạt quốc tế đã cấm cung cấp thiết bị và dịch vụ cho các dự án LNG tại Nga. Nhiều công ty lớn và nhà thầu chính phương Tây đã rút khỏi nước này để tuân thủ lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, các dự án Yamal LNG và Sakhalin 2 vẫn hoàn thành thành công các chương trình bảo trì tại các nhà máy LNG của họ vào năm 2023 và 2024.
Với sản lượng LNG  ngày càng tăng, Nga cũng bắt đầu xây dựng đội tàu chở LNG riêng để vận chuyển khí đốt cho khách hàng quốc tế. Động thái này được xem là phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Moscow trước các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm hạn chế doanh thu từ xuất khẩu LNG của Nga
Theo Upstream
>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ ‘quay xe’ mua dầu Nga sau nhiều năm