Các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với những rủi ro khí hậu ngày càng tăng và chưa hề có sự chuẩn bị cho chúng, Cơ quan Môi trường Châu Âu cho biết trong đánh giá rủi ro ngày 11/2.
Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) cảnh báo châu lục này đang có xu hướng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn như cháy rừng gia tăng, hạn hán, lượng mưa bất thường và lũ lụt .
Họ nhấn mạnh mối lo ngại cần được giải quyết ngay lập tức để bảo vệ an ninh năng lượng, an ninh lương thực , nguồn nước và sức khỏe người dân.
Bà Leena Ylä-Mononen, Giám đốc điều hành EEA, tuyên bố rằng những rủi ro khí hậu này “đang gia tăng nhanh hơn so với sự chuẩn bị của xã hội chúng ta”.
Bà Leena Ylä-Mononen, Giám đốc điều hành của EEA. Ảnh: EEA |
Fortune đưa tin, báo cáo ngày 11/2 đã xác định 36 rủi ro khí hậu lớn đối với lục địa này, bao gồm các mối đe dọa đối với hệ sinh thái, nền kinh tế, hệ thống y tế và thực phẩm, đồng thời nhận thấy rằng hơn một nửa vấn đề đòi hỏi phải có hành động lớn hơn ngay bây giờ.
Trong đó, 36 rủi ro được phân thành 8 loại cần được quan tâm khẩn cấp như bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ con người khỏi nắng nóng, bảo vệ con người và cơ sở hạ tầng khỏi lũ lụt và cháy rừng, đảm bảo quỹ cứu trợ thiên tai.
Báo cáo tiết lộ châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới và đang nóng lên nhanh gấp đôi so với các khu vực khác kể từ những năm 1980. Nắng nóng được phát hiện có liên quan đến mưa và lũ lụt mạnh hơn, báo cáo cũng dự đoán lượng mưa sẽ giảm và hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn ở miền Nam châu Âu.
Nếu không có hành động khẩn cấp và kịp thời, nhiều rủi ro về khí hậu đã được xác định có thể trở thành thảm họa.
Nhằm giảm thiểu rủi ro và cải thiện khả năng thích ứng với hiện tượng nóng lên, EEA khuyến nghị EU và các quốc gia thành viên nên hợp tác với các cơ quan khu vực và địa phương.
Báo cáo của EEA đã đưa ra một cảnh báo và lời kêu gọi hành động rất rõ ràng về những gì sắp xảy ra. Ảnh: Getty Images |
Bà Manon Dufour, Giám đốc tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G ở Brussels (Bỉ), nói rằng báo cáo này là “một lời cảnh tỉnh lớn” đối với lục địa này và có thể có tác động đến chính sách khí hậu ở cả cấp độ châu Âu và quốc gia.
Ở cấp độ châu Âu, bà Dufour cho biết báo cáo có thể “mở rộng tầm mắt” của các nhà lãnh đạo châu Âu, những người hiện đang tập trung nhất vào các vấn đề an ninh, vì khí hậu có thể ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và năng lượng.
Còn ở cấp quốc gia, các Bộ trưởng tài chính nói riêng nên được thúc đẩy bởi báo cáo và “để khả năng phục hồi kinh tế và xã hội trở thành ưu tiên hàng đầu”. Bà chỉ ra thiệt hại kinh tế do sóng nhiệt và lũ lụt có thể lên tới 1 nghìn tỷ euro (1,1 nghìn tỷ USD) mỗi năm vào cuối thế kỷ này.
Sven Harmeling, người đứng đầu bộ phận khí hậu tại Mạng lưới hành động vì khí hậu Châu Âu, bình luận rằng châu Âu “có thể làm nhiều hơn nữa, thậm chí đến cả năm 2030” để cắt giảm khí thải từ việc đốt than, dầu và khí đốt.
Ông gợi ý họ có thể tăng cường đầu tư vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt bằng cách bảo tồn các hệ sinh thái như vùng bị ngập nước và rừng có thể vừa hấp thụ carbon vừa đóng vai trò là rào chắn thời tiết khắc nghiệt tự nhiên.
Hiện tại, EU và các quốc gia thành viên đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong việc hiểu rõ các rủi ro khí hậu và chuẩn bị ứng phó với chúng.
Nhưng các chuyên gia về rủi ro khí hậu của EEA vẫn khẳng định cần phải hành động nhiều hơn trong tất cả các lĩnh vực “bởi vì rủi ro đang gia tăng nhanh chóng”.
>> Châu Âu lo ngại các tác động của thời tiết cực đoan đối với sức khỏe