Chỉ huy xe tăng đầu tiên húc vào cổng chính Dinh Độc Lập: ‘Mong thế hệ trẻ giữ gìn và phát triển đất nước xứng với tầm vóc của những người ngã xuống!’
Hình ảnh xe tăng 390 húc tung cánh cổng chính Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 đã khắc sâu như biểu tượng bất diệt của ngày Chiến thắng.
50 năm đã trôi qua, nhưng thời khắc chiếc xe tăng mang số hiệu 390 lao thẳng, húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, đánh dấu kỳ tích vĩ đại của quân và dân Việt Nam, mở ra kỷ nguyên hòa bình, thống nhất đất nước - vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông Vũ Đăng Toàn, nguyên Chính trị viên Đại đội, Đại úy, Trưởng xe tăng 390.
Ông Vũ Đăng Toàn quê ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Năm 1965, khi vừa tròn 18 tuổi, ông nhập ngũ và được tuyển chọn theo học lái xe tăng.

Đến năm 1968, ông là một trong những người đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp tham gia đưa xe tăng vào Chiến trường Quảng Trị. Trong Chiến dịch Giải phóng miền Nam và Chiến dịch Hồ Chí Minh , ông giữ chức Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Đơn vị của ông tham gia nhiều trận đánh lớn như giải phóng thành phố Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ…
Ngày 30/4/1975, ông là Trưởng xe tăng 390 - một trong hai chiếc xe tăng đầu tiên tiếp cận Dinh Độc Lập, bên cạnh xe tăng 843. Cả hai xe đều thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2. Người điều khiển chiếc xe 390 trong ngày lịch sử đó là Trung sĩ Nguyễn Văn Tập.
Khi đến cổng Dinh, thấy xe 843 dừng lại ở cổng phụ, Trung sĩ Tập hỏi ý kiến: “Bây giờ như thế nào anh?”. Ông Toàn không chần chừ ra lệnh cho xe tông thẳng vào cổng.
"Khi đó, đồng chí Tập nhận được lệnh đã tăng ga, nhắm thẳng cổng Dinh Độc Lập và húc đổ chiếc cổng rồi lao vào sân Dinh", ông Toàn kể lại.

Trước chiến dịch, các đơn vị đã có phương án hợp đồng tác chiến, trong đó nêu rõ: bất kỳ ai hoặc đơn vị nào vào được Dinh trước, dù phải hy sinh cũng phải mang theo cờ giải phóng. Khi thấy ông Bùi Quang Thận cầm cờ chạy theo xe từ phía sau, ông Toàn nhanh trí lấy thêm khẩu AK nhảy xuống, yểm trợ cho đồng đội.
Hai người lính cứ thế xông thẳng vào Dinh, mang theo tinh thần quả cảm, ý chí vì độc lập, tự do của dân tộc.
Tất cả đều chung một mong muốn: lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sẽ nhanh chóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ khắc toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh - để đồng bào, đồng chí không còn phải đổ máu.
Khi ông Bùi Quang Thận trèo lên nóc Dinh cắm cờ, ông Vũ Đăng Toàn ở lại, khống chế và quản lý Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các, chờ cấp trên đến tiếp nhận.
Với ông Toàn, thời khắc ấy không chỉ đi vào trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn là dấu son không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp. Đến nay, dù đã nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn không thể quên được niềm vui vỡ òa lúc ấy - đặc biệt mỗi lần trở lại TP. HCM, nơi gắn liền với ký ức lịch sử thiêng liêng.

Nhắn nhủ tới thế hệ trẻ hôm nay, ông Vũ Đăng Toàn nói: “Chúng tôi đã giành lại Tổ quốc với biết bao xương máu của đồng bào, đồng chí. Mong thế hệ trẻ giữ gìn và phát triển đất nước làm sao xứng đáng với tầm vóc của những người đã ngã xuống”.