Chính phủ giao Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 qua VNeID
Nội dung sửa đổi tập trung vào các điều quy định về MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định về chính quyền địa phương tại Chương 9, Hiến pháp 2013.
Chiều 4/5, tại buổi họp báo do Tổng Thư ký Quốc hội , Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì, thông tin về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã được công bố. Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 5/5 với một trong những nội dung trọng tâm là xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy, thực hiện Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan liên quan để khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi. Kết quả nghiên cứu đã được báo cáo lên Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã gửi tờ trình đến các đại biểu, trong đó đề cập đến việc sửa đổi Hiến pháp, và sẽ báo cáo chi tiết tại phiên khai mạc ngày 5/5.

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thành lập Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 ngay tại phiên khai mạc. Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Theo bà Thủy, “số điều của Hiến pháp có khả năng sửa khoảng 8 điều trên tổng số 120 điều”. Dự thảo nghị quyết sẽ được công bố để lấy ý kiến toàn dân trong vòng một tháng, từ ngày 6/5, trước khi được tổng hợp, tiếp thu và trình Quốc hội xem xét thông qua, chậm nhất vào ngày 26/6.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm thể chế hóa các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo bà Thủy, nội dung sửa đổi tập trung vào các điều quy định về MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định về chính quyền địa phương tại Chương 9, Hiến pháp 2013. “Số điều mà Hiến pháp dự kiến sửa đổi, bổ sung là 8/120 điều” - bà Thủy cho hay.
Điểm mới trong quá trình lấy ý kiến là ngoài các hình thức truyền thống, Chính phủ đề xuất sử dụng ứng dụng VNeID để thu thập ý kiến nhân dân. “Lần này, Chính phủ đề xuất ngoài hình thức tổ chức lấy ý kiến truyền thống đã thực hiện trong các lần sửa Hiến pháp trước đây, có thể áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân qua ứng dụng VNeID. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực triển khai để lấy ý kiến nhân dân thông qua ứng dụng này”, bà Thủy cho biết.

Việc sửa đổi Hiến pháp được đánh giá là nhiệm vụ hệ trọng, đòi hỏi khối lượng công việc lớn và sự đổi mới trong cách thực hiện. Tuy nhiên, với thời gian gấp rút để hoàn thành trước ngày 30/6, đảm bảo hiệu lực từ ngày 1/7, các cơ quan liên quan đang nỗ lực triển khai khẩn trương. Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy và mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đáp ứng yêu cầu tinh gọn và hiệu quả của hệ thống chính trị.
>> Hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam tiên phong làm thủ tục bay bằng VNeID