Chuyên gia ‘dội gáo nước lạnh’ vào kịch bản hạ cánh mềm, khẳng định nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái
Kinh tế Mỹ dường như đang trên đà tăng trưởng, nhưng theo Morgan Stanley, có hai yếu tố có thể phá hỏng dự báo không suy thoái của Phố Wall.
Trong một podcast gần đây, ngân hàng Morgan Stanley đã chỉ ra những rủi ro vẫn còn đe dọa nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi tăng trưởng mạnh mẽ và thị trường lao động vững vàng trong năm nay.
Đó là nguy cơ sa thải có thể gia tăng và khả năng có thêm thuế quan sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn cao. Ông Seth Carpenter, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng hai yếu tố này có thể đẩy Mỹ rơi vào suy thoái .
Sa thải
Ông Carpenter nhấn mạnh rằng thị trường việc làm ở Mỹ đang đối mặt với những rủi ro, đặc biệt là sau khi hầu hết các công ty đã lấp đầy các vị trí tuyển dụng bị trống do tình trạng thiếu hụt lao động trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Trong tháng 8, Mỹ có khoảng 8 triệu vị trí việc làm đang cần tuyển người, giảm 34% so với con số cao nhất từng ghi nhận hồi tháng 3/2022, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ. Điều này phản ánh rằng nhu cầu tuyển dụng của các công ty đã giảm đi.
Nếu nền kinh tế suy giảm vì bất kỳ lý do nào, chẳng hạn như do tác động dần dần của các đợt tăng lãi suất từ năm 2022, các công ty sẽ có xu hướng sa thải nhân viên nhiều hơn so với một năm trước.
"Và điều đó thường dẫn đến suy thoái. Kinh tế chậm lại, rồi người lao động bị sa thải, người mất việc chi tiêu ít hơn, kinh tế chậm lại hơn nữa, và nó trở thành một vòng lặp. Nếu có sự suy giảm kinh tế lớn, khả năng các công ty sẽ phản ứng bằng cách sa thải nhiều nhân viên hoặc thực hiện các biện pháp cắt giảm khác và rủi ro của nền kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn so với tình hình cách đây một năm", ông nói thêm.
Các công ty Mỹ đã công bố kế hoạch cắt giảm 609.242 việc làm từ đầu năm đến tháng 9, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo phân tích của Challenger, Gray & Christmas.
Thuế quan
Một yếu tố khác có thể đẩy Mỹ rơi vào suy thoái là các khoản thuế quan  có thể được áp dụng sau cuộc bầu cử Tổng thống, với việc ông Donald Trump nói sẽ áp thuế 10% lên gần như tất cả hàng nhập khẩu, và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Những biện pháp này có thể gây lạm phát và làm tăng giá tiêu dùng, dẫn đến việc người dân chi tiêu ít hơn và có thể gây ra suy thoái, ông Carpenter dự đoán.
Thuế quan cũng có thể làm tăng giá các nguyên liệu mà các nhà sản xuất cần, khiến các công ty sản xuất ít hơn hoặc đầu tư ít hơn vào sản xuất, một yếu tố khác có thể làm nền kinh tế chậm lại.
Nếu ông Trump thực hiện đồng thời thuế 10% và thuế 60% đối với hàng Trung Quốc, lạm phát có thể tăng thêm 0,9 điểm phần trăm, theo dự báo của Morgan Stanley. Trong khi đó, GDP có thể giảm tới 1,5 điểm phần trăm, tương đương với việc tăng trưởng GDP quý III bị giảm một nửa.
Ông Carpenter cho biết suy thoái vốn không phải là kịch bản chính mà ông dự báo. Ông giải thích rằng một cuộc suy thoái có thể là cú sốc lớn đối với nền kinh tế, nhưng vì có nhiều yếu tố không chắc chắn, nên ông và đội ngũ của mình đánh giá đó là một rủi ro mà họ cần cảnh báo cho khách hàng.
Triển vọng về nền kinh tế Mỹ đã trở nên lạc quan hơn trong những tháng gần đây. Hầu hết các nhà dự báo trên Phố Wall ngày càng tin tưởng hơn vào khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm.
Thậm chí, có một số dự báo cho rằng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mà không gặp trở ngại lớn. Tuy nhiên, kịch bản này có thể làm lạm phát gia tăng trở lại do nhu cầu tiếp tục tăng mà không có sự chậm lại đáng kể.
Tính đến tháng 9, có 57% khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới, theo dự báo mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang New York.
Theo BI
>> Bất ngờ: Chuyên gia dự đoán Fed đã đạt mục tiêu lạm phát 2% 
Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy thoái, kéo tụt khu vực Đông Á và Thái Bình Dương 
Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới suy thoái, dân đổ xô mua xe đạp thay vì ô tô