Cổ phiếu Mỹ đắt kỷ lục: Dấu hiệu bong bóng dot-com lặp lại?
Chứng khoán Mỹ chạm ngưỡng đắt đỏ kỷ lục so với trái phiếu, gợi lại những dấu hiệu cảnh báo từ thời kỳ bong bóng dotcom, khi sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn đang khiến các nhà đầu tư lo ngại về mức định giá "phi lý".
Theo dữ liệu từ Financial Times, đợt tăng mạnh của thị trường cổ phiếu Mỹ, ghi nhận mức cao kỷ lục mới vào ngày 22/1 vừa qua, đã kéo chỉ số lợi suất kỳ hạn (tính bằng cách lấy lợi nhuận kỳ vọng chia cho giá cổ phiếu) của chỉ số S&P 500 xuống còn 3,9%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc  kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 4,65% do đợt bán tháo trái phiếu.
Điều này đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa lợi suất cổ phiếu và trái phiếu – được gọi là "phí rủi ro vốn chủ sở hữu " – đã rơi xuống mức âm, lần đầu tiên kể từ năm 2002, thời điểm bong bóng dotcom sụp đổ.
Ông Ben Inker, đồng giám đốc phân bổ tài sản tại GMO, nhận định: “Nhà đầu tư hiện đang sẵn sàng sở hữu các công ty công nghệ lớn mà không cần nhiều phần bù rủi ro. Tôi cho rằng đây là một thái độ thiếu thận trọng".
Theo các chuyên gia, định giá cổ phiếu cao kỷ lục của Mỹ – từng được mệnh danh là “bong bóng mẹ của mọi bong bóng” – bắt nguồn từ sự kỳ vọng của các nhà quản lý quỹ vào tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và nền kinh tế vững mạnh. Nhiều nhà đầu tư cũng không muốn loại bỏ những cổ phiếu công nghệ hàng đầu, được gọi là nhóm "Magnificent Seven", khỏi danh mục đầu tư của mình vì lo ngại bỏ lỡ cơ hội lớn.
"Magnificent Seven" là thuật ngữ được các nhà phân tích tài chính sử dụng để chỉ nhóm bảy công ty công nghệ lớn có sức ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là trên các chỉ số như S&P 500 và Nasdaq. Nhóm này thường bao gồm: Apple (AAPL); Microsoft (MSFT); Amazon (AMZN); Alphabet (GOOGL) – công ty mẹ của Google; NVIDIA (NVDA); Tesla (TSLA) và Meta Platforms (META) – trước đây là Facebook.
Ông Inker bổ sung: “Khách hàng của chúng tôi vừa lo ngại về sự tập trung thị trường, vừa đặt câu hỏi liệu có nên giữ các công ty thống trị này vì họ dường như đang chiếm lĩnh thế giới hay không.”
Phí rủi ro vốn chủ sở hữu, thước đo được sử dụng từ lâu trong việc so sánh cổ phiếu với trái phiếu, thường được gọi là "mô hình Fed". Thuật ngữ này bắt nguồn từ thời Alan Greenspan giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang , khi ông từng ám chỉ đến chỉ số này như một công cụ đánh giá thị trường.
Mặc dù "mô hình Fed" đã lâu được sử dụng để đo lường phí bảo hiểm rủi ro vốn chủ sở hữu, không ít nhà phân tích chỉ trích phương pháp này. Cliff Asness, nhà sáng lập quỹ AQR, trong bài viết năm 2003, đã gọi việc dùng lợi suất trái phiếu kho bạc làm chuẩn mực là "không liên quan" và nhấn mạnh rằng mô hình này không đủ sức dự đoán lợi nhuận cổ phiếu.
Hiện nay, một số chuyên gia đã thay đổi cách tiếp cận, sử dụng lợi tức thu nhập cổ phiếu so với lợi tức trái phiếu điều chỉnh theo lạm phát. Tuy nhiên, theo Miroslav Aradski, nhà phân tích tại BCA Research, mức phí bảo hiểm rủi ro vốn chủ sở hữu vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ thời kỳ dotcom, dù không phải là âm. Ông cũng lưu ý rằng phương pháp này có thể đánh giá thấp mức độ đắt đỏ thực sự của cổ phiếu do giả định rằng lợi nhuận hiện tại là đại diện tốt cho lợi nhuận tương lai.
Aswath Damodaran, giáo sư tài chính tại Đại học New York, thẳng thắn phản bác mô hình Fed, cho rằng cách tiếp cận đúng đắn hơn là sử dụng dòng tiền kỳ vọng và tỷ lệ chi trả tiền mặt. Theo tính toán của ông, phí bảo hiểm rủi ro vốn chủ sở hữu đã giảm đáng kể trong năm qua nhưng "chưa đạt mức âm".
Bên cạnh đó, định giá cổ phiếu so với trái phiếu chỉ là một trong nhiều chỉ báo mà các nhà quản lý quỹ theo dõi. Những thước đo khác bao gồm tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) của cổ phiếu Mỹ so với lịch sử của chính nó và so với các thị trường khác trên toàn cầu. Chris Jeffery, giám đốc vĩ mô tại Legal & General, cho biết: "Có nhiều dấu hiệu cảnh báo khiến chúng ta nên thận trọng hơn, đặc biệt là sự khác biệt rõ rệt giữa cổ phiếu Mỹ và cổ phiếu quốc tế".
Dù định giá cổ phiếu Mỹ cao hơn so với lịch sử, một số nhà đầu tư cho rằng điều này có thể chấp nhận được. Ben Snider, chiến lược gia tại Goldman Sachs, khẳng định rằng, xét trên các yếu tố như lãi suất và sức khỏe thị trường lao động , chỉ số S&P 500 vẫn nằm trong ngưỡng hợp lý. Ông lạc quan rằng: "Thu nhập đang tăng, và ngay cả khi định giá không đổi, điều này vẫn thúc đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn".
Việc cổ phiếu Mỹ phục hồi hoàn toàn kể từ đợt giảm giá tháng 12 đã làm dịu mối lo về tác động của lợi suất trái phiếu tăng cao, nhưng rủi ro vẫn còn. Trái phiếu với lợi suất hấp dẫn có thể khiến thị trường chứng khoán gặp áp lực, đặc biệt khi khoảng cách định giá giữa hai loại tài sản đang "gần mức rộng nhất trong thời gian dài," theo nhận định từ Pimco.
Ngoài ra, sự phụ thuộc vào nhóm "Magnificent Seven" (Mag 7) đang làm dấy lên cảnh báo về rủi ro từ sự tập trung hóa danh mục đầu tư. Andrew Pease, chiến lược gia tại Russell Investments, khuyến nghị: "Dù Mag 7 đang bứt phá, đây là thời điểm các nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro."
Những biến động và quan điểm trái chiều này cho thấy thị trường cổ phiếu Mỹ  vẫn là một mảnh đất đầy cơ hội nhưng cũng không thiếu rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử dotcom dường như đang tái hiện.
Theo Financial Times