Đào ‘thủy mộ’ 2.500 năm, tìm thấy loạt cổ vật xác lập kỷ lục, công nghệ cao không thể can thiệp
Giới khảo cổ đã được phen bất ngờ với loạt phát hiện chấn động bên trong “thủy mộ” 2.500 năm tuổi.
Bảo tàng Văn hóa và Lịch sử CPPCC, khoảng 5 thập kỷ trước, Trung Quốc ghi nhận một phát hiện khảo cổ  chấn động toàn cầu. Một "thủy mộ " có niên đại gần 2.500 năm tuổi đã hé lộ hàng loạt cổ vật quý giá, xác lập nhiều kỷ lục đáng kinh ngạc. Nhờ phát hiện  này, lịch sử của một vương quốc nhỏ thời Chiến Quốc được tái hiện sau hàng nghìn năm chìm sâu trong lòng đất.

Loạt phát hiện chấn động khi khai quật “thủy mộ” 2.500 năm tuổi
Vào cuối thập niên 1970, các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện một ngôi mộ cổ  gần 2.500 năm tuổi tại thành cổ Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc, nơi được coi là quê hương của Viêm Đế Thần Nông. Phát hiện xảy ra khi Quân đội Trung Quốc đang san núi để xây dựng doanh trại và phát hiện sự khác biệt về đất. Sau khi triệu tập các chuyên gia, đội khảo cổ đã di chuyển gần 50 phiến đá và xuyên qua lớp than bùn dày để tìm thấy một lăng mộ 220m², sâu 13m, chìm trong nước.

Lăng mộ được xác định là của Tăng Hầu Ất (475 TCN - 433 TCN), vua Tăng quốc, một nước chư hầu của nhà Chu trong giai đoạn đầu thời Chiến Quốc. Phát hiện này gây chấn động bởi giá trị lịch sử và khảo cổ của lăng mộ, cùng với vô số cổ vật tinh xảo tìm thấy trong đó. Mặc dù sử sách ít ghi chép về Tăng Hầu Ất, lăng mộ của ông đã làm hồi sinh sự quan tâm về vương quốc Tăng, một quốc gia nhỏ bé từng bị lãng quên trong suốt 2.500 năm.
1. Quan tài 7 tấn nặng nhất thế giới cùng 21 mỹ nhân tuẫn táng
Sau khi lăng mộ cổ được hút hết nước, nhóm chuyên gia đã phải miệt mài nhiều ngày để làm sạch không gian bên trong, do bốn phía đều bị bao phủ bởi lớp than bùn dày đặc.

Khi hơn 31 tấn than bùn phía trên được dọn bỏ, trước mắt đội khảo cổ hiện ra một quan tài khổng lồ bằng gỗ, nặng tới 7 tấn, nằm ngay trung tâm lăng mộ. Dù trải qua hàng ngàn năm, cỗ quan tài vẫn nguyên vẹn và được chế tác vô cùng tinh xảo. Chủ nhân của lăng mộ này chính là Tăng Hầu Ất, người qua đời khi 45 tuổi. Cho đến nay, đây vẫn là cỗ quan tài cổ có trọng lượng lớn nhất từng được phát hiện trên thế giới.

Đặc biệt, bao quanh quan tài chính là 21 quan tài nhỏ hơn, bên trong chứa hài cốt của các thiếu nữ trong độ tuổi từ 13 đến 24. Giả thuyết của các nhà khảo cổ cho rằng, những cô gái này có thể từng là những vũ công tài sắc, hầu hạ nhà vua lúc sinh thời. Khi vị quân vương qua đời, họ cũng bị tuẫn táng theo để tiếp tục phục vụ chủ nhân ở thế giới bên kia.
2. "Bảo vật mồ côi" - Tuyệt tác công nghệ cao không thể sao chép
Sau khi phát hiện cỗ quan tài nặng 7 tấn, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật khu lăng mộ và thu thập khoảng 15.404 hiện vật, bao gồm hơn 6.200 món chế tác từ đồng. Nổi bật trong số đó là chiếc Đế trống cao khoảng nửa mét, nặng gần 200kg, được coi là một kiệt tác cổ đại. Mặc dù công nghệ hiện đại không thể sao chép, chiếc Đế trống này vẫn tồn tại duy nhất trên thế giới, là phần quan trọng trong bộ nhạc cụ truyền thống của nước Tăng, gồm mặt trống, giá đỡ và đế trống.

Trong lăng mộ Tăng Hầu Ất, các nhà khảo cổ cũng phát hiện nhiều tượng rồng, trong đó có 16 tượng lớn và hàng chục tượng nhỏ. Các tượng rồng được chạm khắc tinh xảo, sống động và đầy linh thiêng, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật luyện đồng thời cổ đại. Một điểm đặc biệt là số lượng rồng trên đế trống không thể xác định do chúng được tạo hình quấn quýt, tạo thành tổng thể liền mạch, khiến việc sao chép bằng công nghệ hiện đại trở nên bất khả thi. Vì thế, Đế trống Tăng Hầu Ất được gọi là "bảo vật mồ côi", một kiệt tác độc nhất vô nhị trên thế giới.

3. Bộ chuông đồng 2,5 tấn - Cổ vật khảo cổ lớn nhất Trung Quốc
Bộ chuông đồng của Tăng Hầu Ất là một trong những cổ vật tiêu biểu cho tài năng nghệ thuật của Trung Quốc cổ đại, được đánh giá là bộ chuông hoàn thiện và lớn nhất từng phát hiện tại quốc gia này. Vào năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 40 năm phát hiện quần thể lăng mộ nổi tiếng, Bảo tàng Văn hóa và Lịch sử CPPCC đã đăng tải bài viết của Giám đốc Hội Khảo cổ học tỉnh Hồ Bắc về phát hiện này.

Bộ chuông được đặt ở phía Tây phòng giữa lăng mộ, có ba tầng khung chuông. Tầng trên cùng có 19 chuông nhỏ, tầng giữa gồm 33 chuông vừa được đỡ bởi ba chiến binh đồng và tầng dưới chứa 13 chuông lớn, mỗi chiếc có trọng lượng từ 100-200kg, cao đến 1,52m. Toàn bộ khung chuông nặng hơn 2,5 tấn và vẫn vững vàng dù đã tồn tại gần 2.500 năm, nhờ vào kỹ thuật ghép mộng tinh xảo.
Điều đặc biệt là các chi tiết tinh tế và các dòng chữ trên chuông, thể hiện sự tài hoa của người thợ và tạo ra âm thanh trầm bổng độc đáo, khó sao chép. Bộ chuông này được coi là kiệt tác nhạc cụ đồng thời Chiến Quốc và đã được công nhận là báu vật quốc gia.

Ngoài bộ chuông, lăng mộ Tăng Hầu Ất còn chứa hơn 4.000 đầu mũi tên, là số lượng lớn nhất từng được khai quật từ một ngôi mộ cổ tại Trung Quốc, cùng các vũ khí khác như kiếm, giáo, kích, cung,...