Đặt tên xã, phường có gắn số thứ tự: Người dân lên tiếng, địa phương hành động
Nhận nhiều ý kiến không đồng tình của người dân, nhiều địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Nam... đã quyết định thay đổi.
Hiện nay, nhiều địa phương lựa chọn phương án đặt tên xã, phường mới sau sáp nhập có gắn số thứ tự. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt tên này mang tính cơ học, cứng nhắc, không thể hiện được chiều sâu bản sắc lịch sử, văn hóa, truyền thống.
Trước tình hình này, nhiều địa phương như Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị... đã quyết định thay đổi phương án đặt tên các phường, xã mới sau sáp nhập.
Theo đó, ngày 22/4, Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương đã phát đi thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về việc đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.
Cụ thể, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo nghiên cứu, lựa chọn và đề xuất tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp gắn với địa danh lâu đời, danh nhân tiêu biểu, phù hợp với các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân đồng tình.
Trong chiều ngày 22/4, một số địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng như huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy... đã thay đổi phương án tên gọi dự kiến các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.
Theo phương án mới được các địa phương đưa ra, các đơn vị hành chính cấp xã mới tại huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng) sẽ được đặt tên như sau: Xã Vĩnh Am, Vĩnh Hải, xã Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Vĩnh Bảo, Vĩnh Hoà, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thuận.
Các đơn vị hành chính tại huyện Tiên Lãng (thành phố Hải Phòng) được đặt tên như sau: Xã Quyết Thắng, Tiên Lãng, Tân Minh, Tiên Minh, Chấn Hưng, Hùng Thắng… Tên các làng, xã cũ sẽ được lựa chọn để đặt tên cho các thôn sau sắp xếp thôn, khu dân cư.
>>TP.HCM sau sáp nhập: Dân số, diện tích và GRDP so sánh ra sao với Thượng Hải, Bangkok, Singapore?
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã chỉ đạo UBND tỉnh rà soát địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống và đề xuất tên gọi mới phù hợp.
Đến ngày 21/4, Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất không áp dụng cách đặt tên theo số thứ tự hay hướng địa lý như dự kiến ban đầu. Thay vào đó, tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn những tên gọi gắn liền với di tích lịch sử, vùng đất, làng, sông, suối hoặc di sản văn hóa nổi tiếng.
Tỉnh ủy Quảng Nam giao Đảng ủy UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án tên gọi mới, sau đó trình HĐND tỉnh vào ngày 26/4 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1/5.
Tại Quảng Trị , một số huyện như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh và Gio Linh đã thay đổi cách đặt tên xã sau sáp nhập dựa trên ý kiến cử tri và các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương.
Tại Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất điều chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã, phường hình thành sau sắp xếp. Thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân để trình HĐND thành phố vào ngày 22/4, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 30/4.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng bỏ cách đặt tên xã phường có đánh số thứ tự sau tên quận, huyện. Thay vào đó, thành phố quyết định giữ tên các quận, huyện lại thành tên xã, phường mới; giữ lại tên một số xã, phường cũ...
>>Trước thềm sáp nhập để thành 'siêu địa phương', TP.HCM thu hút thêm 2,4 tỷ USD
Sáp nhập tỉnh: Vì sao chọn tên Thái Nguyên, không phải Bắc Kạn hay Bắc Thái?
Vì sao Hải Phòng chọn Thủy Nguyên đặt trung tâm hành chính khi sáp nhập với Hải Dương?