Trước thềm sáp nhập để thành 'siêu địa phương', TP.HCM thu hút thêm 2,4 tỷ USD
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM sẽ hợp nhất thành một địa phương mới; giữ tên TP.HCM; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.HCM hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2, kiều hối chuyển về TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.
Cụ thể, trong quý I/2025, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đã đạt 2,412 tỷ USD, tăng 19,6% so với quý IV/2024. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM thông qua các công ty kiều hối trong quý I đạt 1,757 tỷ USD và qua các ngân hàng thương mại đạt 655 triệu USD.
Ông Lệnh thông tin thêm, mặc dù cơ cấu, tỷ trọng kiều hối phân theo khu vực có sự thay đổi, song kiều hối từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 48,7%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với các khu vực khác.
Các yếu tố tác động tích cực đến nguồn kiều hối chuyển về tiếp tục được phát huy và gắn với kết quả cơ chế chính sách về tiền tệ và ngoại hối, môi trường đầu tư kinh doanh, sự phát triển của thị trường lao động...
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM sẽ hợp nhất thành một địa phương mới, giữ tên TP.HCM. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.HCM hiện nay.
Sau sáp nhập, TP.HCM càng củng cố vị thế “đầu tàu kinh tế” với quy mô GRDP vượt 2,7 triệu tỷ đồng – gần gấp đôi Hà Nội (khoảng 1,4 triệu tỷ đồng), tiếp tục dẫn đầu cả nước.
TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là ba điểm nóng kinh tế của khu vực phía Nam, nơi quy tụ nhiều hoạt động sản xuất - đầu tư quy mô lớn.
Chiều ngày 17/4, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, ông Võ Ngọc Thuận cho biết, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở đang được triển khai, trong đó bao gồm việc giải quyết ranh giới chồng lấn giữa ba địa phương và chính sách đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp.
Theo phương án dự kiến, TP.HCM sẽ giảm từ 273 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 102, tương ứng tỷ lệ 60-70% theo Nghị quyết 60 và Nghị quyết 76. Riêng xã đảo Thạnh An sẽ được giữ nguyên do vị trí biệt lập.
Bên cạnh đó, Bình Dương dự kiến giảm từ 91 xuống còn 36 phường, xã; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 77 xuống còn 30 phường, xã, đặc khu.
Sau sáp nhập, ba địa phương sẽ có 168 đơn vị hành chính cấp xã mới. Cùng với đó, ba địa phương cũng thống nhất đề xuất phương án sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính và sắp xếp nguồn nhân lực đảm bảo phù hợp với yêu cầu chính trị.