Ở nước ta có khoảng 500.000 ha mặt nước có thể nuôi biển. Việc tăng nuôi trồng, giảm khai thác sẽ tạo ra sinh kế ổn định cho ngư dân, tiến tới phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
Tiềm năng lớn trong nuôi biển
Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) là thủ phủ nuôi hàu của cả nước với 4.000ha. Cách bờ chỉ vài trăm mét là những giàn nuôi hàu của anh Phạm Văn Thường - một trong những hộ nuôi nhiều hàu tại huyện.
Theo anh, hàu từ trước đến nay đều không cần cho ăn. Bởi, thức ăn của hàu chủ yếu là các loại sinh vật phù du. Anh chỉ cần đầu tư hệ thống giàn nuôi trong năm đầu tiên, những năm sau chỉ phải bỏ tiền mua con giống.
Trong quá trình nuôi, quan trọng nhất là kiểm tra và vệ sinh để hạn chế sinh vật, bùn đất bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển. Sau khi thả 8 tháng thì được thu hoạch.
Hiện anh Thường có 10 giàn nuôi hàu, mỗi giàn 30 dây. Đến mùa thu hoạch, có thời điểm sản lượng hàu lên đến hơn 1.000 tấn. Với giá bán 6.000 đồng/kg, gia đình anh thu về hơn 6 tỷ đồng.
Quảng Ninh đang có 6.000ha hàu trong quy hoạch vùng nuôi. Mỗi năm, nguồn thu từ việc nuôi hàu khoảng gần 1.500 tỷ đồng, với mức giá 6.000 đồng/kg.
Thực hiện chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản, tạo nền tảng vững chắc theo hướng "tăng nuôi trồng, giảm khai thác".
Không chỉ ở Quảng Ninh, ông Trần Công Khôi - Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, nước ta có khoảng 500.000ha mặt nước có thể nuôi biển, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn.
Trên thực tế có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển. Trong đó, các đối tượng nuôi chủ yếu như: các loại cá, các loại nhuyễn thể (ngao, sò, hàu... ), giáp xác (tôm hùm), rong biển. Tận dụng được các tiềm năng và lợi thế của nuôi biển sẽ tạo ra sinh kế cho người dân ở các địa phương, từ đó giảm khai thác ngoài tự nhiên. Theo đó, kinh tế biển có thể phát triển theo hướng bền vững, giúp ngành thuỷ sản tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về thị trường, trước đây sản phẩm từ nuôi biển thường tiêu thụ trong nước. Hiện nay, tôm hùm đã xuất khẩu được 142 triệu USD, cá biển hơn 300 triệu USD... Điều này cho thấy, thị trường của các sản phẩm nuôi biển đang được mở rộng.
Quan tâm hơn đến ngư dân
Để phát triển thủy sản bền vững, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản - cho rằng, phải cấu trúc lại ngành theo hướng chuyển từ khai thác tài nguyên liệu thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững. Đồng thời, cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân.
Theo ông, phải tìm sinh kế cho phù hợp với điều kiện thực tế để người dân có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản.
Tại một số làng cá ở Quảng Ninh, Kiên Giang có những mô hình rất thành công nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch. Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng phát triển nuôi biển, đơn cử như rong sụn, ông dẫn chứng.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU là hoạt động trước mắt, còn mục tiêu lâu dài là bảo vệ nguồn tài nguyên, vì thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, chúng ta phải tái trúc lại ngành hàng, đưa ngư dân vào hoạt động theo một quỹ đạo thống nhất.
Khi Bộ NN-PTNT đưa ra chủ trương phát triển nuôi biển với mục đích giảm khai thác, tăng nuôi trồng, rất nhiều địa phương háo hức mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư ở các vùng biển mà chưa quan tâm đúng mức đến lực lượng ngư dân - đối tượng ưu tiên đầu tiên để họ chuyển đổi sang nghề khác.
Muốn ngư dân chủ động chuyển đổi ngành nghề, giảm khai thác thì phải tích cực đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tập trung nguồn lực giải quyết những trăn trở đó. Khi người dân nhận thức đầy đủ về việc chuyển đổi ngành nghề là việc làm có ý nghĩa mà cuộc sống vẫn đảm bảo thì mục tiêu phát triển thủy sản bền vững mới thành công.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp, người dân ngại đầu tư nuôi biển vì lo sợ những nơi đầu tư sẽ rơi vào khu vực quy hoạch, bị thu hồi để làm resort, khu phức hợp... Do đó, Bộ trưởng mong muốn các tỉnh ven biển sớm hoàn thiện quy hoạch, đề án chuyển đổi sinh kế cho người dân ở những vùng phải chuyển đổi.
Năm 2024, củng cố lại các chi hội nghề cá, từ đó tạo không gian để ngư dân sinh hoạt, chia sẻ tâm tư, đồng thời thiết lập lại cộng đồng quản lý đã ban hành. Bộ NN-PTNT cũng kịp thời điều chỉnh cách quản lý, ứng xử với ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tâm An
Giữa khơi xa nuôi biển công nghệ cao, ngư dân Khánh Hòa thu tiền tỷ 
Những bố nuôi Biên phòng của trẻ mồ côi ở vùng cao biên cương Hà Giang