Cảnh báo từ Bộ Y tế về những loại thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc botulinum
Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn botulinum, cần tuân thủ các nguyên tắc bảo quản thực phẩm đóng hộp.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiễm khuẩn botulinum từ thực phẩm đóng hộp không đảm bảo an toàn.
Chất độc botulinum toxin do vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum) sinh ra. Trong điều kiện khắc nghiệt, vi khuẩn C.botulinum có thể biến thành dạng nha bào vô cùng chắc chắn, có khả năng tồn tại cao. Do đó, C.botulinum phân bố rất rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất vườn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, bụi bẩn, nước ao, nước sông hồ, ruột gia súc, đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, thịt hộp để lâu ngày...
Do đó, những sản phẩm đồ hộp nếu không được sản xuất và bảo quản đúng cách thì sẽ có thể là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển, gây ngộ độc nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thực phẩm đóng hộp ngày càng phổ biến trong các gia đình nhờ tính tiện lợi và thời gian bảo quản lâu dài. Tuy nhiên, nếu quy trình sản xuất không đảm bảo, vi khuẩn botulinum có thể phát triển mạnh trong môi trường yếm khí của thực phẩm đóng hộp, gây nguy cơ ngộ độc cao. Chỉ một lượng nhỏ độc tố botulinum cũng có thể dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp và tử vong.
![]() |
Người tiêu dùng cần cảnh giác với các dấu hiệu nhận biết thực phẩm đóng hộp bị nhiễm khuẩn như hộp bị phồng, rỉ sét, móp méo hoặc rò rỉ. Ảnh minh hoạ |
>> Việt Nam có loại hạt ăn vào thanh mát được ví như hạt 'ngọc trắng' tốt cho sức khoẻ 
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, một số loại thực phẩm dễ nhiễm botulinum bao gồm pate, thịt hộp, cá hộp, đặc biệt là các sản phẩm làm từ gan như pate gan, xúc xích đóng hộp, nếu quy trình đóng gói không đảm bảo, dễ tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, rau củ đóng hộp như ngô, đậu Hà Lan, măng, nấm, củ cải đường… nếu không được đun nhiệt đủ để tiêu diệt bào tử botulinum cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn. Một số thực phẩm khác như đồ ngâm chua, thực phẩm hút chân không gồm dưa chuột ngâm, cà muối, thịt muối, xúc xích hun khói… cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu để lâu trong môi trường yếm khí.
Người tiêu dùng cần cảnh giác với các dấu hiệu nhận biết thực phẩm đóng hộp bị nhiễm khuẩn như hộp bị phồng, rỉ sét, móp méo hoặc rò rỉ. Khi mở hộp, thực phẩm có thể có mùi hôi, chua, đổi màu, nổi váng hoặc nước trong hộp bị đục, có bọt khí. Đặc biệt, khi nếm thử (không khuyến khích nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn), thực phẩm có vị chua, đắng hoặc khác thường. Nếu gặp những dấu hiệu này, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm vì nguy cơ ngộ độc cao.
Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn botulinum, cần tuân thủ các nguyên tắc bảo quản thực phẩm đóng hộp. Khi chưa mở hộp, nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát với nhiệt độ từ 15 - 25°C, tránh ánh nắng trực tiếp và không xếp chồng quá nặng. Sau khi mở hộp, thực phẩm nên được chuyển sang hộp sạch như hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa an toàn thực phẩm, không để trong hộp kim loại. Ngoài ra, cần bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 4°C và sử dụng trong vòng 1 - 3 ngày đối với thịt hộp, pate; 3 - 5 ngày đối với rau củ đóng hộp; 5 - 7 ngày đối với trái cây đóng hộp. Trước khi ăn lại, thực phẩm cần được đun sôi ít nhất 10 - 15 phút để tiêu diệt vi khuẩn.
Người tiêu dùng cần lưu ý chỉ sử dụng thực phẩm còn hạn sử dụng, hộp không bị phồng hoặc móp méo, không dùng đồ hộp tự làm hoặc thực phẩm đóng hộp đã mở quá 3 ngày trong tủ lạnh và tuyệt đối không nếm thử thực phẩm nếu nghi ngờ không an toàn. Ngộ độc botulinum có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Do đó, cần thận trọng trong việc lựa chọn, sử dụng và bảo quản thực phẩm đóng hộp để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
>> Loại nho đặc biệt có chứa tinh chất quý hiếm từ nhân sâm, giá tiền lên đến 700 nghìn/kg
Loại thịt mỡ chỉ dành cho giới nhà giàu, giá cực đắt đỏ 
Loại thịt được chuyên gia Mỹ đánh giá 'tốt nhất cho sức khỏe': Việt Nam luôn có sẵn