Đề xuất hỗ trợ hơn 19.000 tỷ xây các hạng mục phụ trợ cho siêu cảng nước sâu 50.000 tỷ cửa ngõ vùng ĐBSCL
Các hạng mục này bao gồm đường kết nối với bến cảng; cầu vượt biển; đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Thông tin từ báo Nhà báo và Công luận, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.
Tại công văn này, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ về việc án đầu tư xây dựng cảng Trần Đề  - Sóc Trăng hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trong năm 2025 và triển khai đầu tư vào năm 2026.
UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ số vốn là 19.403 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; đầu tư xây dựng cầu vượt biển; đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Phối cảnh dự án siêu cảng Trần Đề. Ảnh internet |
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng có diện tích khoảng 5.000ha. cầu cảng có tổng chiều dài 5.300m; tàu container trọng tải đến 100.000DWT (6.000 đến 8.000Teus), tàu hàng rời 160.000DWT.
Giai đoạn khởi động, gồm: 2 bến/800m cho tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000DWT và 2 bến phao chuyển tải hàng rời (than) cho tàu trọng tải đến 160.000DWT. Hệ thống kè/đê chắn sóng dài 9.800m, cầu vượt biển dài 17,8km; cầu dẫn kết nối cầu vượt biển với bến  cảng giai đoạn khởi động dài 1,85km. Diện tích mặt bằng cảng 435,05ha, trong đó giai đoạn khởi động 81,60ha. Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics có tổng diện tích khoảng 4.000ha.
Thông tin từ báo Tiền Phong, cảng biển Trần Đề được phân kỳ chia làm 6 giai đoạn đầu tư, bao gồm giai đoạn khởi động (2024-2028), giai đoạn 1 (2029-2030), giai đoạn 2 (2031-2035), giai đoạn 3 (2036-2040), giai đoạn 4 (2041-2045) và giai đoạn hoàn thiện (2046-2050). Tổng mức đầu tư của cảng biển Trần Đề dự kiến là 162.700 tỷ đồng, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn đầu tư công 19.403 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%, gồm: đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; đầu tư xây dựng cầu vượt biển; đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Vốn đầu tư tư nhân (doanh nghiệp) là 25.292 tỷ đồng (chiếm khoảng 57%), gồm san lấp mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần, logistics; đầu tư xây dựng cảng thuộc bến cảng Trần Đề.
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/8/2023 cũng nêu rõ Sóc Trăng được định hướng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics  với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.
Sóc Trăng đề xuất Trung ương hỗ trợ 19.400 tỷ đồng cho dự án siêu cảng Trần Đề 
'Siêu' càng Trần Đề 50.000 tỷ được nhiều Bộ, Ban ngành ủng hộ