Tài chính quốc tế

DeepSeek và thuế quan: Hai yếu tố quyết định người thắng kẻ thua trong thương chiến Mỹ - Trung 2.0

Vũ Bấc 05/02/2025 16:11

Mới đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ diễn ra "trong vài ngày tới".

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với nhiều yếu tố tác động đáng chú ý, trong đó nổi bật là thành công của startup AI DeepSeek và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Mặc dù bối cảnh vĩ mô còn nhiều bất ổn do mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc, các chuyên gia phân tích nhận định nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là mảng AI, có thể hưởng lợi từ làn sóng DeepSeek. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, đồ gia dụng, điện tử và hóa chất đối mặt với rủi ro từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Giới đầu tư có xu hướng thận trọng, chờ đợi kết quả cuộc đàm phán cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này - động thái được kỳ vọng sẽ giúp hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện.

"Cổ phiếu công nghệ sẽ thu hút dòng tiền nhờ hiệu ứng DeepSeek, tuy nhiên điều này chưa đủ để kéo toàn thị trường tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ", ông Ivan Li, Giám đốc Quỹ tại Loyal Wealth Management (Thượng Hải) nhận định ngày 3/2.

DeepSeek và thuế quan: Hai yếu tố quyết định người thắng kẻ thua trong thương chiến Mỹ - Trung 2.0 - ảnh 1
Thị trường chứng khoán nội địa Trung Quốc bắt đầu giao dịch trở lại vào ngày 5/2 sau tám ngày nghỉ Tết Nguyên đán

Tháng 1/2025, startup AI DeepSeek, có trụ sở tại Hàng Châu, đã gây tiếng vang lớn trên thị trường công nghệ toàn cầu khi ra mắt hai mô hình ngôn ngữ lớn. Điểm đặc biệt là các mô hình này chỉ tiêu tốn một phần nhỏ chi phí và năng lượng tính toán so với các đối thủ Mỹ, nhưng đạt hiệu suất tương đương ChatGPT - chatbot AI nổi tiếng của OpenAI và các đối thủ phương Tây khác.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang khi Bắc Kinh đã đáp trả quyết định áp thuế mới của Washington. Cụ thể, sau khi chính quyền Trump áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh ngay lập tức công bố gói thuế trả đũa vào ngày 4/2.

Theo đó, than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ sẽ chịu thuế 15%, trong khi dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô phát thải cao và xe bán tải bị áp thuế 10%.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nhiều khoáng sản chiến lược như vonfram và rutheni - những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất vũ khí và chất bán dẫn. Song song với các động thái trên, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Mới đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ diễn ra "trong vài ngày tới". Tuy nhiên, căng thẳng có thể tiếp tục gia tăng khi ông Trump cảnh báo sẽ nâng mức thuế đáng kể với hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không kiểm soát được dòng chảy fentanyl - loại thuốc phiện tổng hợp gây tử vong - vào lãnh thổ Mỹ.

Căng thẳng thương mại có thể gây áp lực lớn lên nền kinh tế hai nước, theo đánh giá của các chuyên gia. "Việc tăng thuế quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, buộc Bắc Kinh phải có những biện pháp đối phó mạnh mẽ hơn", bà Edith Qian, chuyên gia phân tích tại CGS International nhận định trong báo cáo mới nhất. Bà cũng cảnh báo chính sách của Trump có thể làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến Fed thận trọng hơn trong kế hoạch cắt giảm lãi suất.

Về diễn biến thị trường, chỉ số Shanghai Composite đã ghi nhận mức tăng trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán - duy trì thành tích tăng điểm trong ngày mở cửa đầu năm suốt 4 năm liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn đang giảm 3% tính từ đầu năm đến trước kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ (27/1).

"Nhà đầu tư đang lạc quan về nền tảng doanh nghiệp và kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục khi giao dịch trở lại. Tuy nhiên, điều họ lo ngại nhất là kịch bản hai nước không đạt được đồng thuận sau cuộc điện đàm sắp tới", ông Wang Feng, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Ye Lang (Thượng Hải) cho hay.

Theo ông Arthur Kroeber, đồng sáng lập Gavekal Dragonomics - công ty nghiên cứu kinh tế chuyên về Trung Quốc, Trump còn nhiều "vũ khí thương mại" khác ngoài thuế quan để gây sức ép lên Bắc Kinh, bao gồm cả việc chấm dứt quy chế "quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn". Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đề cập khả năng nâng thuế lên trên 60% với hàng hóa Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức 7,5-25% trong nhiệm kỳ đầu.

Bất chấp những thách thức trên, UBS vẫn duy trì triển vọng tích cực về thị trường Trung Quốc. Chiến lược gia Meng Lei của UBS dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tại thị trường này có thể tăng 6% trong năm 2025, cao hơn mức 5% của năm trước. Dự báo này dựa trên kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế mới của chính phủ, có thể giúp bù đắp tác động từ thuế quan của Mỹ.

Theo South China Morning Post (SCMP)

>> Đòn giáng thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể 'bít cửa' hạ nhiệt lạm phát

Ông Trump muốn Mỹ tiếp quản dải Gaza, kêu gọi người Palestine di dời vĩnh viễn

48 giờ hỗn loạn sau màn ‘quay xe’ phút chót của ông Trump

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/deepseek-va-thue-quan-hai-yeu-to-quyet-dinh-nguoi-thang-ke-thua-trong-thuong-chien-my-trung-20-136151.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    DeepSeek và thuế quan: Hai yếu tố quyết định người thắng kẻ thua trong thương chiến Mỹ - Trung 2.0
    POWERED BY ONECMS & INTECH