Doanh nghiệp Nhà nước đang lãi/lỗ ra sao trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài?
Được biết, các lĩnh vực đầu tư chính vẫn là dầu khí; viễn thông; trồng và chế biến mủ cao su, chiếm tới 95,92% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, cho biết trong tổng số 87 dự án phát sinh doanh thu thì có 64 dự án mang lại lợi nhuận, trong khi 23 dự án bị lỗ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc  cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, có 29 doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài, thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc qua các công ty con cấp 1, cấp 2.
Trong năm 2023, số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện đạt 52,64 triệu USD tại 9 dự án, phần lớn thuộc các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN ), gồm 3 dự án với số vốn đầu tư thực hiện là 49,21 triệu USD.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và các công ty con đạt 5.966,95 triệu USD, bằng 53,65% số vốn đăng ký.
Trong tổng số 87 dự án phát sinh doanh thu thì có 64 dự án mang lại lợi nhuận |
>> Hà Lan và Lào chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra thế giới 
Trong đó, PVN dẫn đầu với số vốn đầu tư lên đến 3.373,1 triệu USD (chiếm 56,53%), theo sau là Viettel  với 1.472,17 triệu USD (chiếm 24,67%), vị trí thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG ) với 773,47 triệu USD (12,96%). Ba doanh nghiệp này chiếm tới 94,16% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Theo đó, các lĩnh vực đầu tư chính vẫn là dầu khí; viễn thông; trồng, chế biến mủ cao su và chiếm tới 95,92% tổng vốn. Trong năm 2023, tổng số tiền thu hồi đạt 261,88 triệu USD, trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 153,58 triệu USD, phần lớn từ các dự án của PVN với 106,94 triệu USD (lợi nhuận chuyển về nước là 29,32 triệu USD, thu hồi khác đạt 77,62 triệu USD).
Bên cạnh đó, Viettel ghi nhận số tiền thu hồi 87,05 triệu USD, lợi nhuận chuyển về nước đạt 71,84 triệu USD, còn lại là các khoản thu hồi khác. VRG thu hồi 30,34 triệu USD, trong đó 28,88 triệu USD là lợi nhuận chuyển về nước, thu hồi gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông đạt 1,46 triệu USD.
Lũy kế đến cuối năm 2023, Chính phủ cho biết có 76 dự án đầu tư ra nước ngoài từ 18 doanh nghiệp đã phát sinh các khoản thu hồi, với tổng số tiền luỹ kế đạt 3.702,83 triệu USD, tương đương 62,06% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài.
PVN chiếm phần lớn với 2.379,2 triệu USD (chiếm 64,25% tổng số tiền đã thu hồi), trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 1.084,85 triệu USD. Viettel đứng thứ hai với 1.037,48 triệu USD (chiếm 28,02%). Tổng cộng, hai doanh nghiệp này chiếm tới 90,08% tổng số tiền đã thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp Nhà nước và có vốn Nhà nước.
Về kết quả kinh doanh năm 2023, 87 dự án phát sinh doanh thu với tổng doanh thu đạt 9.569,54 triệu USD, giảm 1,2% so với năm trước đó. Trong số đó, 64 dự án có lợi nhuận với tổng lợi nhuận sau thuế đạt 690,4 triệu USD, tăng 21,22% so với năm 2022. Lợi nhuận được chia cho các nhà đầu tư Việt Nam đạt 191,95 triệu USD, giảm 24,65%.
Bên cạnh đó, 23 dự án bị lỗ (giảm 6 dự án so với năm trước đó), với tổng mức lỗ là 133,21 triệu USD, giảm 49,4%. Tính đến cuối năm 2023, 43 dự án ghi nhận lỗ lũy kế với tổng số lỗ là 1.322,86 triệu USD, giảm 118,21 triệu USD so với năm 2022.
Những bước tiến mới của Viettel IOC 
Viettel Global (VGI) ‘thay tướng’ tại Myanmar, kỳ vọng thu hồi nợ trong 5 năm tới