Đồng yên của Nhật Bản mất giá mạnh do lạm phát ở Mỹ cao

14-02-2024 15:14|Mạc Thùy

Đồng yên của Nhật Bản giảm giá mạnh sau khi Mỹ công bố dữ liệu giá tiêu dùng.

Theo thông tin từ TTXVN tại Tokyo, phiên giao dịch sáng ngày 14/2, đồng yên duy trì ở mức 150,77 yen/USD. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 13/2, tỷ giá này là 150,5 yen/USD trong hầu hết thời gian trong ngày và tạm thời chạm mức đỉnh 150,88 yen/USD. Đây là mức thấp nhất của đồng nội tệ Nhật Bản so với đồng USD kể tháng 11/2023. Lần gần đây nhất đồng yên xuống ngưỡng cần có hành động can thiệp của chính phủ là ngày 17/11/2023.

Nguyên nhân khiến đồng yên giảm giá mạnh được cho là do dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cao hơn dự kiến đã làm giảm dự đoán của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. CPI của Mỹ trong tháng 1/2024 tăng 3,1% so với một năm trước đó, nhưng lại giảm so với mức tăng 3,4% của tháng 12/2023 và cao hơn so với mức 2,9% mà các nhà quan sát thị trường kỳ vọng.

Số liệu CPI công bố ngày 13/2 là dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ nóng lên một cách dai dẳng, tiếp tục làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Các nhà phân tích của Bank of America dự báo trong năm nay, Fed sẽ chỉ giảm lãi suất từ tháng 6 tới.

Đồng yên của Nhật Bản mất giá mạnh do lạm phát ở Mỹ cao
Đồng yên của Nhật Bản mất giá mạnh do lạm phát ở Mỹ cao

Dữ liệu này khiến các nhà đầu tư tin rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể cần tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát dai dẳng bằng cách giữ chi phí đi vay ở mức cao, động thái có thể khuyến khích việc mua USD và bán đồng yên.

Các nhà đầu tư đã tính đến sự chênh lệch lãi suất lớn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khi các Ngân hàng Trung ương của họ theo đuổi các chính sách tiền tệ khác nhau, trong đó Nhật Bản duy trì chính sách siêu lỏng trong suốt chu kỳ thắt chặt của Fed.

Thứ trưởng Tài chính phụ trách quốc tế của Nhật Bản Masato Kanda cảnh báo rằng, những biến động gần đây trên thị trường tiền tệ diễn ra nhanh chóng và các cơ quan chức năng sẵn sàng thực hiện các bước đi can thiệp thị trường nếu cần thiết. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cũng nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ đồng yên.

Tuy nhiên, đồng nội tệ Nhật Bản có nguy cơ vẫn tiếp tục chịu áp lực vì tuần trước Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Shinichi Uchida nhận định rằng rất khó để BOJ liên tục và nhanh tăng lãi suất chính sách. Ông cho rằng các điều kiện tài chính sẽ vẫn thích ứng ngay cả sau khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm, dựa trên triển vọng hiện tại của lạm phát và nền kinh tế. Đây là quan điểm mà Thống đốc BOJ Kazuo Ueda từng bày tỏ.

Tháng 9 và 10/2022, Chính phủ Nhật Bản đã phải can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm hỗ trợ đồng nội tệ và đã chi khoảng 9.000 tỷ yen (60 tỷ USD). Ông Tom Nakamura, nhà quản lý danh mục đầu tư tại AGF Investments, đánh giá: “Thị trường đã sẵn sàng cho sự tăng giá của đồng yen với kỳ vọng BOJ sẽ từ bỏ chính sách lãi suất âm. Tuy nhiên, BOJ sẽ không vội làm điều đó và sẽ không bắt đầu một chu kỳ bình thường hóa kéo dài”. Ông nhận định rằng kỳ vọng về sức mạnh của đồng yen dựa trên hành động của BOJ sẽ bắt đầu thu hẹp.

Đồng yen là đồng tiền mất giá lớn nhất trong số các đồng nội tệ của các nước Nhóm G10 (gồm Bỉ, Canađa, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ) - giảm 3,5% so với đồng euro. Đồng tiền này đã mất giá hơn 23% trong hai năm qua, nhiều hơn bất kỳ loại tiền tệ nào mà Bloomberg theo dõi.

>> Đồng yên trượt dốc sau quyết định duy trì chính sách của BOJ

Đồng yên lao dốc giúp TTCK Nhật Bản trở thành quán quân tăng giá năm 2023

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-yen-cua-nhat-ban-mat-gia-manh-do-lam-phat-o-my-cao-222943.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đồng yên của Nhật Bản mất giá mạnh do lạm phát ở Mỹ cao
    POWERED BY ONECMS & INTECH