Dự án này dù được khởi công từ năm 2014 nhưng do gặp khó khăn về nguồn vốn nên đã tạm dừng thi công hơn 3 năm. Đến giữa năm 2023, công trình đã "tái sinh" và dự kiến thông xe trong năm 2025.
Cao tốc  Bến Lức - Long Thành là dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Công trình được khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2019. Tuy nhiên do gặp khó khăn về chính sách và nguồn vốn, các gói thầu đã tạm dừng thi công trong hơn 3 năm. Đến giữa năm 2023 hầu hết các gói thầu đã thi công trở lại. Dự kiến thông xe vào quý III/2025.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58km; trong đó đi qua tỉnh Long An 2,7km, TP. HCM 26,4km và Đồng Nai 28,7km. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 29.600 tỷ đồng.
Bến Lức - Long Thành hiện là cao tốc đắt thứ 2 Việt Nam tính theo km với bình quân là 510 tỷ đồng/km. Giữ vị trí thứ nhất là cao tốc Hải Phòng - Hạ Long với 557 tỷ đồng/km (nguyên nhân do chi phí xây dựng cầu Bạch Đằng lên tới 7.300 tỷ đồng).
>> Cầu dây văng lớn nhất TP. HCM sẽ khởi công trước ngày 30/4/2025? 
Nguyên nhân của sự “đắt đỏ" này là do cao tốc Bến Lức - Long Thành phải xây dựng hơn 20km cầu và cầu cạn đi qua khu vực sinh quyển rừng Cần Giờ. Nơi đây có nền địa chất yếu, nhiều sông ngòi và vùng sình lầy.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, mặt đường rộng 24 m với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế từ 100 đến 120km/h.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết hiện đang quyết liệt chỉ đạo các phòng ban, nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm này, tổng giá trị sản lượng các gói thầu đã triển khai thi công đạt khoảng 80% giá trị xây lắp điều chỉnh của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Sau khi hoàn thành, cao tốc sẽ giúp cho giao thông liên từ vùng Tây Nam Bộ sang Đông Nam Bộ và ngược lại mà không cần qua trung tâm TP. HCM. Hơn thế nữa, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp kết nối hệ thống cảng biển Hiệp Phước, cảng Thị Vải - Cái Mép với sân bay quốc tế Long Thành.
Nhờ rút ngắn thời gian lưu thông, quá trình vận chuyển hàng hóa và vận tải hành khách công cộng từ các tỉnh Tây Nam Bộ về TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn trước nhiều lần, góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, quốc lộ 51 cũng như tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện hữu.
Bên cạnh đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành còn có nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đặc biệt là 3 tỉnh/thành là TP. HCM, Long An, Đồng Nai.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết sẽ đặt mục tiêu phấn đấu đưa một phần tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào khai thác trong năm nay và thông xe toàn tuyến trong năm 2025.
>> TP. Hà Nội nói gì về vụ cây cầu 8.000 tỷ bắc qua sông Hồng bị nghi 'đạo nhái'?