Tập đoàn BRG và Sumitomo (Nhật Bản) vừa trình bày ý tưởng, kế hoạch và lộ trình đầu tư xây dựng Cảng biển Liên Chiểu (Đà Nẵng) trở thành cảng biển đặc biệt của quốc gia.
Tại buổi kiểm tra địa điểm dự kiến xây Bến cảng Liên Chiểu và làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc di dời cảng hàng hóa Tiên Sa ra Liên Chiểu là chủ trương rất đúng.
Theo Bộ trưởng, Cảng Liên Chiểu là của cả miền Trung chứ không phải chỉ riêng Đà Nẵng và tương lai sẽ là một trong ba cảng biển lớn nhất của cả nước. Phía Bắc có cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), phía Nam có cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và miền Trung phải là cảng Liên Chiểu. Đà Nẵng buộc phải điều chỉnh lại định hướng phát triển, phải tìm hướng đi mới, động lực mới, không gian phát triển mới. Có như vậy thành phố mới có dư địa để phát triển tiếp, nếu không sẽ chậm lại.
Theo UBND TP Đà Nẵng, Công ty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) và Viện Phát triển khu vực ven biển nước ngoài Nhật Bản (OCDI) đã có báo cáo kết quả cuối cùng của nghiên cứu tiền khả thi dự án phát triển cảng Liên Chiểu do hai đơn vị phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).
Theo đó, giai đoạn 1, dự án sẽ xây một bến hàng tổng hợp và một bến container, sẽ được hoàn thành vào năm 2022.
Về phân chia chức năng, cảng Liên Chiểu sẽ dành để bốc xếp hàng tổng hợp và hàng container, cảng Tiên Sa sẽ dần chuyển đổi công năng để chuyên phục vụ du lịch và tiếp nhận các tàu khách lớn.
Về nguồn lực đầu tư, dự án sẽ triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Cụ thể, phần đê chắn sóng và nạo vét luồng tàu vào cảng sẽ được triển khai từ nguồn vốn ngân sách, trong đó có cân nhắc khả năng vay vốn ODA do Chính phủ Việt Nam đứng ra vay, TP Đà Nẵng sẽ vay lại. Các hạng mục công trình phục vụ khai thác bến dự kiến sẽ huy động đầu tư từ nguồn vốn của tư nhân.
Trước thông tin này, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG thay mặt đối tác hợp tác đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) bày tỏ nguyện vọng với thành phố để được nghiên cứu, đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Đồng thời, đưa ra kế hoạch và lộ trình để đầu tư xây dựng Cảng biển Liên Chiểu trở thành cảng biển đặc biệt của quốc gia.
Bà Nga cho biết, dựa vào định hướng phát triển của cảng Liên Chiểu khi có lợi thế gần đường sắt, đường bộ, các luồng hàng hải quốc tế, gần trung tâm logistics, sân bay, lại được đón nguồn hàng phía Tây (Thái Lan, Myanmar), nên nhà đầu tư muốn đưa Liên Chiểu tiến lên cảng đặc biệt, cảng giao thương trung chuyển lớn nhất khu vực miền Trung.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng đề xuất thành lập tổ công tác hợp tác giữa TP Đà Nẵng và các nhà đầu tư để xử lý các thủ tục liên quan cũng như cung cấp các thông tin nhà đầu tư cần biết.
Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, dự án bao gồm các hạng mục chính như: Kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mắt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 teus.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.426,3 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ gần 3.000 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương. Quan điểm của thành phố là cảng biển, sân bay không phải chỉ để phát triển giao thông, mà là đầu mối để phát triển đô thị nên bên cạnh xây dựng cảng, Đà Nẵng đồng thời kêu gọi đầu tư khu đô thị cảng biển nên phía nhà đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng các phương án này.
Dự án xây dựng cảng biển Liên Chiểu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư xây dựng vào năm 2016 và UBND TP Đà Nẵng cũng đã triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và trình Bộ Giao thông Vận tải.
Đầu năm 2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản về việc giao UBND TP Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư, xây dựng cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên đến cuối năm 2019, việc có thực hiện xây dựng cảng biển Liên Chiểu hay không vẫn chưa có quyết định cụ thể.
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu nằm trong kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng. Chưa có kết luận về việc có xây dựng cảng Liên Chiểu hay không bởi thành phố đang tham khảo ý kiến các chuyên gia để có chủ trương chính thức. Lý do mà Đà Nẵng lừng khừng trong việc có hay không đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu như kế hoạch là do những cảnh báo của phía đơn vị tư vấn Surbana Jurong (Singapore) được mời nghiên cứu về việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND TP Đà Nẵng là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Đà Nẵng rà soát, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) theo ý kiến thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Đề xuất lấn biển Đà Nẵng hơn 300 ha làm khu thương mại tự do 
Khu bến của cảng biển lớn nhất miền Trung dự kiến sẽ có 3 bến cảng