Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô tăng tổng mức đầu tư gần 2.900 tỷ đồng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có văn bản báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án).
Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP, sau khi hoàn thành phê duyệt Dự án, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các công việc tiếp theo, bảo đảm khởi công trước ngày 30/6/2023.
(TyGiaMoi.com) - 3/4 dự án thành phần chậm tiến độ
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9, trong 4 dự án thành phần xây dựng, chỉ có dự án thành phần 2.1 (TP. Hà Nội làm cơ quan chủ quản) đáp ứng tiến độ; các dự án thành phần 2.2 (tỉnh Hưng Yên làm cơ quan chủ quản), dự án thành phần 2.3 (tỉnh Bắc Ninh làm cơ quan chủ quản) và dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc dài 112,8 km theo phương thức đối tác công-tư PPP do Hà Nội làm cơ quan chủ quản) đang triển khai chậm so với yêu cầu.
Hiện chỉ có dự án thành phần 2.1 (Hà Nội) hoàn thành lựa chọn nhà thầu và đang triển khai thi công; dự án thành phần 2.2 (Hưng Yên) dự kiến khởi công trong tháng 10/2023 và dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để khởi công vào ngày 10/10/2023.
Riêng, dự án thành phần 3 chưa triển khai.
Đối với Dự án thành phần 2.1 (Hà Nội), sau 3 tháng khởi công, các nhà thầu đã hoàn thành công tác chuẩn bị, xây dựng lán trại, huy động máy móc, thiết bị; trên công trường đã triển khai 11 mũi thi công, trong đó đã thi công lớp đất hữu cơ và lên khuôn đường đạt khoảng 15 km; đang đắp nền khoảng 2,5 km; đang triển khai xử lý đất yếu tại các vị trí có mặt bằng sạch; đang hoàn thiện thủ tục cấp phép xây dựng các công trình cầu vượt sông, kênh mương và cầu vượt đường ngang (như cầu vượt sông Nhuệ, sông Tô Lịch, cầu vượt đường sắt Hà Nội-Lào Cai...).
Giải ngân chậm
Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá tỉ lệ giải ngân các dự án thành phần có cấu phần xây dựng còn chậm.
Ngoài dự án thành phần 2.1 (Hà Nội) đã giải ngân đạt 80,45% nguồn vốn đã bố trí năm 2023, dự án thành phần 2.2 (Hưng Yên) mới chỉ giải ngân được 4,76% vốn đã bố trí năm 2023 và dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh) chưa giải ngân.
Về mặt bằng, diện tích giải phóng mặt bằng tại các địa phương đã thực hiện khoảng 86,5%, tuy nhiên chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Phạm vi đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng chủ yếu thuộc khu vực đất ở của các hộ gia đình, đất liên quan đến tín ngưỡng, đất liên quan đến các cơ quan, tổ chức... là các khu vực rất khó khăn do ảnh hưởng đến sinh kế người dân, doanh nghiệp, phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục để thực hiện thu hồi, khó khăn trong công tác vận động người dân bàn giao đất.
Mặc dù tỉ lệ mặt bằng đã bàn giao khá lớn, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận do thiếu mặt bằng nên công tác thi công đồng loạt gặp khó khăn.
Tăng tổng mức đầu tư, tăng diện tích thu hồi đất
Báo cáo cũng cho thấy, thực tế triển khai, tổng diện tích thu hồi đất khoảng 1.397 ha (tăng 56 ha so với Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội). Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 1.054 ha (giảm 20 ha), đất dân cư (đất ở) khoảng 42 ha (giảm 16 ha) và đất khác khoảng 301 ha (tăng 92 ha).
Về tổng mức đầu tư, theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội, sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế, ước tính tổng mức đầu tư của dự án sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ. Nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư công phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thâm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó.
Sau khi hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần, các địa phương sẽ rà soát kỹ, xác định chính xác tổng mức đầu tư theo đúng quy định, UBND TP. Hà Nội sẽ chủ trì, tổng hợp hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Dự án đường Vành đai 4-Vũng Thủ đô được chia thành 7 dự án thành phần.
Cụ thể, Dự án thành phần 1.1 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận TP. Hà Nội) sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 13.370 tỷ đồng (ngân sách Trung ương khoảng 4.010 tỷ đồng, ngân sách địa phương 9.360 tỷ đồng).
Dự án thành phần 1.2 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) sơ bộ tống mức đầu tư khoảng 3.740 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương).
Dự án thành phần 1.3 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh) sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.480 tỷ đồng (ngân sách Trung ương khoảng 2.110 tỷ đồng, ngân sách địa phương 370 tỷ đồng).
Dự án thành phần 2.1 chiều dài khoảng 58,2 km, quy mô 2 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương).
Dự án thành phần 2.2 chiều dài khoảng 19,3 km, quy mô 2 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tự khoảng 1.505 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương).
Dự án thành phần 2.3 chiều dài khoảng 35,3 km, quy mô 2 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.794 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương).
Dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc), UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP; chiều dài khoảng 112,8 km, quy mô theo quy hoạch 6 làn xe, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng, vốn Nhà nước khoảng 27.089 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 18.313 tỷ đồng, ngân sách địa phương 8.776 tỷ đồng), vốn nhà đầu tư huy động khoảng 29.447 tỷ đồng (chiếm 52,1%).