Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết việc các đơn vị cung cấp than không đúng theo kế hoạch khiến hầu hết nhà máy nhiệt điện đối mặt với nguy cơ thiếu than cho sản xuất.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình cấp than cho điện. Theo EVN, tình hình cung cấp than không đúng theo kế hoạch xảy ra đối với hầu hết các nhà máy nhiệt điện của EVN như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 của EVN.
"Dự kiến trong năm 2023, nếu tình hình cấp than cho sản xuất điện không được cải thiện, trong khi nhu cầu sử dụng than tăng so với năm 2022 do Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành, khả năng thiếu than cho sản xuất điện là hiện hữu", EVN cho biết.
Cụ thể, EVN thông tin than cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình năm 2022 không ổn định, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện trong một số thời điểm, cũng như không đảm bảo được khối lượng than sản xuất trong nước (than cám 5a.1) như đã cam kết trong hợp đồng mua bán than năm 2022.
Cụ thể trong quý 1/2022, tổng khối lượng than cấp từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc thấp hơn so với nhu cầu của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình do việc nhập khẩu than gặp khó khăn.
Tồn kho than của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình đã xuống rất thấp (khoảng 6.000 tấn tương đương 1 ngày vận hành đầy tải 2 tổ máy). Bên cạnh đó, từ tháng 3, TKV đã dừng cấp than sản xuất trong nước, không còn khả năng đáp ứng theo hợp đồng
Trong hai quý tiếp theo, khả năng cấp của TKV đã cải thiện, đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện. Tuy nhiên, Tổng công ty Đông Bắc không cấp than ổn định và dừng cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình trong các tháng 7, 10, 11 và không đáp ứng được hơp đồng đã ký.
Trong quý 4/2022, khả năng cấp than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc bị giảm và các đơn vị thông báo chỉ cấp được hoàn toàn than pha trộn nhập khẩu. Tồn kho than của nhiệt điện Thái Bình thường xuyên duy trì ở mức 10.000 tấn (chỉ đạt khoảng 2 ngày vận hành đầy tải 2 tổ máy) trong một số ngày cuối tháng 11 và toàn bộ tháng 12. Do đó, nhà máy đã phải dừng 1 tổ máy để dự phòng.
Đối với nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, đơn vị chủ yếu sử dụng than Bitum/Sub-bitum nhập khẩu. Hiện nay, giá than nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào các biến động của thị trường than quốc tế và công tác dự báo gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc lập kế hoạch vận hành của các nhà máy sử dụng than nhập khẩu biến động rất lớn.
“Giá than nhập khẩu tiếp tục giữ ở mức cao, ảnh hưởng nhiều tới khả năng huy động nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng như các nhà máy sử dụng than nhập khẩu nói chung trên thị trường điện”, EVN dự báo.
Để đảm bảo than cho sản xuất điện trong năm 2023, đặc biệt là mùa khô sắp tới, EVN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc ưu tiên cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện, đồng thời, yêu cầu các đơn vị cấp than tuân thủ đúng các điều khoản tại các hợp đồng than các bên đã ký kết.
Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ tỉnh duy nhất miền Trung không có thị xã xây nhà máy điện hạt nhân 
Bộ trưởng Công Thương: Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam làm điện hạt nhân