‘Gậy ông đập lưng ông’: Thuế quan của ông Trump khiến Mỹ ‘gánh’ lạm phát, châu Âu hưởng lợi lớn
Tổng thống Donald Trump muốn xây dựng một trật tự “Nước Mỹ trên hết”, nhưng trên mặt trận chống lạm phát, Mỹ có thể lại về sau cùng.
Các đợt tăng thuế quan do ông Trump đề xuất – đặc biệt với hàng hóa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác – sẽ đẩy giá cả ở Mỹ lên cao, trong khi lại có khả năng kéo giảm lạm phát ở châu Âu.
Theo các chuyên gia của Nomura, động thái của ông Trump thậm chí có thể giúp "Make Europe Great Again".

Cụ thể, nếu Trung Quốc buộc phải tìm thị trường thay thế Mỹ, hàng hóa giá rẻ có thể đổ vào châu Âu , khiến giá cả hạ nhiệt. Đồng euro mạnh lên cũng khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn, tạo thêm áp lực giảm giá.
Lạm phát Mỹ leo thang, châu Âu có dư địa nới lỏng tiền tệ
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể gặp khó trong việc hạ lãi suất do lạm phát tăng, châu Âu lại có dư địa để làm điều ngược lại nếu kinh tế cần kích thích.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo thuế quan của Trump sẽ đẩy lạm phát ở Mỹ tăng cao. Lý do đơn giản: thuế nhập khẩu thực chất là một loại thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, khi doanh nghiệp chuyển chi phí sang giá bán.
CEO của Adidas tuần này cho biết giá sản phẩm tại Mỹ “chắc chắn sẽ tăng” do ảnh hưởng của thuế, trong khi “không có lý do gì để tăng giá ở thị trường khác”.
Một nghiên cứu năm 2019 của Fed New York cho thấy: tác động của thuế quan thời Trump nhiệm kỳ đầu đã hoàn toàn chuyển sang giá bán trong nước, khiến người tiêu dùng Mỹ gánh trực tiếp.
Ngay cả các doanh nghiệp nội địa không bị áp thuế cũng có thể tăng giá, do ít phải cạnh tranh hơn.
Châu Âu hưởng lợi từ hàng Trung Quốc và đồng euro mạnh
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng Trung Quốc có thể “chuyển hướng xuất khẩu” sang châu Âu. Nhiều chuyên gia cho rằng hàng hóa Trung Quốc có thể giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn, tạo áp lực cạnh tranh khiến giá cả tại EU giảm theo.
Kể từ khi ông Trump công bố mức thuế mới hôm 2/4, đồng euro đã tăng 3% so với rổ tiền tệ chính và 4% so với đồng USD – điều này càng khiến hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu rẻ hơn.
Giá dầu và khí đốt cũng lao dốc do kỳ vọng kinh tế toàn cầu chậm lại vì thương chiến. Từ 2/4 đến nay, giá dầu Brent đã giảm 17%. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu năm sau có thể còn giảm, trong khi ở Mỹ được dự báo tăng.
Chi phí năng lượng rẻ hơn giúp kiềm chế lạm phát tại châu Âu trong ngắn hạn.
Sự bất định trong chính sách thương mại cũng khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn – hạn chế đầu tư và chi tiêu, tạo thêm một lực kéo giảm giá cả.
Dù vậy, châu Âu vẫn đối mặt với một số yếu tố có thể đẩy lạm phát trở lại, như kế hoạch đầu tư công và quốc phòng quy mô lớn tại Đức và toàn EU. Tuy nhiên, các khoản chi này sẽ cần thời gian để giải ngân, có thể mất nhiều năm.
Và trong bối cảnh thế giới đầy bất định như hiện tại, không ai dám chắc điều gì sẽ đến trước.
Theo CNN
>> Mỹ không còn là trung tâm của thế giới, Trung Quốc đã vượt Mỹ và châu Âu cộng lại?
Temu từ bỏ hàng Trung Quốc, thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh ở Mỹ để né thuế quan
Xuất khẩu của Trung Quốc có thể bốc hơi 60% vì thuế quan của ông Trump