Giá xăng dầu hôm nay 21/3/2024 trên thị trường thế giới hạ nhiệt sau khi tăng lên mức cao nhất gần 5 tháng. Còn giá xăng trong nước tại kỳ điều hành chiều nay được dự báo tăng mạnh.
Giá xăng dầu  trong nước hôm nay 21/3/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (21/3) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành hôm nay có thể tăng theo giá thế giới.
Các doanh nghiệp xăng dầu cho biết, nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng 650-680 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng tăng 500 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 14/3), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ giá xăng, tăng giá dầu.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 20 đồng/lít, giá bán là 22.490 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 10 đồng/lít, giá bán xuống mức 23.540 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 70 đồng/lít, giá bán lên 20.540 đồng/lít. Còn giá dầu hoả tăng 100 đồng/lít, giá lên mức 20.700 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 21/3/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 21/3 tiếp đà đi xuống từ phiên trước.
Phiên giao dịch 20/3, giá xăng dầu quốc tế  suy giảm sau khi tăng cao vào 2 phiên đầu tuần.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h17' ngày 20/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,04 USD/thùng, giảm 1,34 USD, tương đương 1,53% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 82,05 USD/thùng, giảm 1,42 USD, tương đương 1,7% so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (18/3), giá dầu tăng khoảng 2%. Ngày 19/3, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong gần 5 tháng.
Chốt phiên giao dịch 19/3, giá dầu WTI tăng 0,9%, lên 83,5 USD một thùng, mức cao nhất kể từ tháng 27/10/2023. Giá dầu Brent cũng tăng 0,6%, lên 87,38 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2023.
Giá dầu tăng mạnh do được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu cải thiện và các dấu hiệu nguồn cung thu hẹp.
Tuy nhiên, đến ngày 20/3, giá dầu đã hạ nhiệt. Giới phân tích nhận định, hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư là nguyên nhân dẫn đến việc giá dầu suy yếu.
Áp lực bán xuất hiện trên thị trường dầu khi các nhà đầu tư  thận trọng chốt lời sau khi giá “vàng đen” tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng, đặc biệt là trước thềm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định lãi suất.
Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên cũng khiến giá dầu đi xuống.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - đã tăng phiên thứ năm liên tiếp sau khi dữ liệu gần đây chỉ ra rằng nền kinh tế  Mỹ vẫn rất mạnh.
Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó làm hạn chế nhu cầu.