Giải bài toán phát triển bãi đỗ xe ở Hà Nội
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, theo quy hoạch, thành phố Hà Nội có 1.620 bãi đỗ xe; trong đó, có 73 bãi đỗ xe ngầm. Đến nay, thành phố đã triển khai được 96 bãi đỗ xe và đang xem xét để điều chỉnh chủ trương đầu tư với 52 bãi đỗ xe.
Trong số bãi đỗ xe chưa triển khai, qua rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đã trình UBND thành phố chấm dứt 5 dự án, thời gian tới sẽ chấm dứt thêm 2 dự án. Có 6 dự án đã trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện còn 37 dự án đang có vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu, trước liên quan đến phần đất công, nay theo quy định của Luật Tài sản công đang có vướng mắc.
Thực tế cho thấy, tính hấp dẫn của bãi đỗ xe  đối với nhà đầu tư là không. Một phần do các nhà đầu tư chưa rõ quan điểm thành phố coi đây là công trình thương mại dịch vụ hay là một bộ phận kết cấu của hạ tầng giao thông và việc đỗ xe là đối tượng chủ động hay là đối tượng phải nhận trách nhiệm.
Bên cạnh đó, việc khai thác bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm khu dân cư có tính hấp dẫn cao; còn bãi đỗ xe quy hoạch xa dân cư, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ thì không hấp dẫn. Nhà đầu tư đầu tư xong thì không lấp đầy được công suất. Mặt khác, giá trông giữ xe bị khống chế trong khi giá thuê đất cao, đặc biệt bãi đỗ xe ngầm đầu tư lớn...
Trong khi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; việc kêu gọi đầu tư các bãi đỗ xe tĩnh còn gặp khó khăn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đô thị trên địa bàn vẫn còn hạn chế… thì áp lực về giao thông trên địa bàn thành phố vẫn rất lớn, gia tăng ùn tắc vào giờ cao điểm, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, thiếu bãi đỗ xe tĩnh, tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố kinh doanh buôn bán khiến cho khó khăn về giao thông chồng chất...
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo cho biết, hiện nay, tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2019 - 2022 trên địa bàn Hà Nội là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26 - 0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%.
Cùng với đó, diện tích đất của thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có trên địa bàn thành phố, còn lại 90% nhu cầu hoặc đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng. Tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe…).
Để giải quyết nhu cầu cấp bách chỗ gửi, đỗ xe của người dân, tính đến 20/10/2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ phương tiện cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích 37.985 m2. UBND cấp huyện cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho các tổ chức, cá nhân để trông giữ xe khoảng 422 điểm, với diện tích 93.300 m2.
Trước thực tế trên, về giải pháp thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu thành phố báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để làm rõ một số nội dung theo luật chuyên ngành nhằm thống nhất trong phê duyệt chủ trương, giao đất, tính tiền sử dụng đất với bãi đỗ xe.
Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư và gửi các sở, ngành, quận huyện tập hợp đưa vào kêu gọi để lựa chọn nhà đầu tư. Với khu vực có nhu cầu cao, việc tính toán khả năng đầu tư không hòa vốn được, ngoài việc dài hạn theo đối tác công tư, ngân sách có thể bỏ ra đầu tư để giải quyết vấn đề đang bức xúc về bãi đỗ xe ảnh hưởng giao thông đô thị trên địa bàn.
Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, phát triển giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thừa nhận vấn đề giao thông nói chung và trật tự an toàn giao thông, lòng đường hè phố hiện nay ở Hà Nội rất phức tạp.
Hiện, thành phố mới quản lý được giao thông động, phần giao thông tĩnh vẫn rất khó. Theo quy hoạch diện tích đất dành cho giao thông tĩnh phải đảm bảo 4% nhưng hiện nay mới đạt 0,7 - 0,8%. Vì thế, các quy định đỗ xe tạm dưới lòng đường vỉa hè đang diễn ra, đây cũng là "vấn nạn" chung ở các thành phố lớn… Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố để phát triển giao thông tĩnh cần tháo gỡ ách tắc về cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư.