Khi internet bùng nổ, quá trình số hóa diễn ra nhanh thì việc có một sàn giao dịch việc làm trực tuyến càng cần thiết.
Nếu như trước đây, 63 trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh thành đều thực hiện giao dịch độc lập, mạnh ai nấy làm thì nay, Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương đã xây dựng công cụ kết nối giao dịch việc làm trực tuyến giữa trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương.
Đây là bước cụ thể hoá nghị quyết của Chính phủ đảm bảo thị trường lao động kết nối một cách linh hoạt, đồng bộ. Đây cũng là hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động, đặc biệt là việc tích hợp chuyển đổi số vào trong phát triển thị trường lao động, kết nối thống nhất toàn quốc.
Chính thức từ cuối tháng 3/2023, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) triển khai thí điểm hệ thống quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh, thành phố tại https://santructuyen.kncvietnam... . Có thể nói đây là lần đầu tiên, Việt Nam có hệ thống kết nối giao dịch việc làm trên nền tảng số, từ trực tiếp sang trực tuyến; đảm bảo sự thông suốt của thị trường lao động, kết nối cung cầu.
Theo đó, các doanh nghiệp chỉ cần có tài khoản và ngồi tại cơ quan để tham gia tuyển dụng lao động trực tuyến. Còn người lao động, đơn giản hơn rất nhiều, có thể ngồi bất cứ đâu, khi biết thông tin có phiên giao dịch việc làm chỉ cần gõ bàn phím truy cập và kết nối vào hệ thống để ứng tuyển phỏng vấn. Nếu như trước kia, doanh nghiệp và người lao động muốn gặp nhau phải đến trung tâm dịch vụ việc làm trao đổi. Nhưng giờ đây, ai tìm việc ở Hà Nội không nhất thiết phải ra Thủ đô mà có thể ngồi ở Thừa Thiên Huế, Bắc Giang kết nối với doanh nghiệp. Việc kết nối cung - cầu lao động được thực hiện mọi nơi, mọi lúc.
Cũng nhờ có sàn giao dịch trực tuyến này mà bà Trần Thị Khánh Huyền, Phó phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Sông Hồng có thể dễ dàng mở rộng nguồn tuyển, không lo thiếu nhân sự. Bà Huyền đã vài lần tham gia tuyển dụng lao động qua hình thức trực tuyến của Sàn giao dịch việc làm Hà Nội với các điểm giao dịch ở các tỉnh. Từ góc độ nhà tuyển dụng, bà Trần Thị Khánh Huyền cho biết: “Qua sàn giao dịch trực tuyến, tôi có thể trao đổi cụ thể với các ứng tuyển vị trí việc làm để họ hiểu rõ hơn công việc, qua đó đáp ứng được số lượng vị trí việc làm mà đơn vị yêu cầu”.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm chia sẻ, Cục Việc làm đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai hệ thống dữ liệu giao dịch việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư. Các bên kỳ vọng một hệ thống hoàn chỉnh, hiện đại với thông tin, dữ liệu có cơ chế chia sẻ thông tin minh bạch nhưng cũng bảo mật thông tin. “Chúng tôi sẽ đảm bảo người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau với chi phí thấp nhất”, ông Bình khẳng định.
Việc triển khai thí điểm công cụ quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến đang được coi là bước ngoặt đánh dấu mốc quan trọng trong việc kết nối cung - cầu lao động của hệ thống sàn giao dịch việc làm các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, việc triển khai thí điểm công cụ quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến đánh dấu mốc quan trọng trong việc kết nối cung - cầu lao động của hệ thống sàn giao dịch việc làm các tỉnh, thành trong cả nước. Tại chương trình thí điểm, các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương và Cần Thơ… đã kết nối 79 doanh nghiệp cùng đông đảo người lao động vào hệ thống, trong đó, tại điểm Sàn giao dịch việc làm Hà Nội có 27 doanh nghiệp tham gia kết nối.
Ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh: “Sàn giao dịch việc làm trực tuyến của Nhà nước không phải để cạnh tranh với các dịch vụ kết nối việc làm của tư nhân. Sàn giao dịch việc làm trực tuyến của 63 tỉnh là nền tảng đảm bảo kết nối toàn quốc mà không một sàn tư nhân nào có thể làm được; kết nối mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp mà chỉ có Sàn giao dịch việc làm trực tuyến của Nhà nước mới làm được. Căn cứ vào hệ thống này, chúng tôi sẵn sàng mở kết nối với các website tư nhân để giúp hệ thống giao dịch việc làm tư nhân phát triển. Nếu sàn giao dịch việc làm nhà nước tạo ra sự ổn định, thông suốt của toàn bộ lãnh thổ, doanh nghiệp và người lao động nhất là doanh nghiệp lớn thì dịch vụ kết nối việc làm của tư nhân phải đảm bảo kết nối tầng việc làm, đặc biệt có tầng chất lượng cao. Đây là bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, không có sự cạnh tranh”.
Hệ thống sàn giao dịch việc làm được dự đoán sẽ là bước chuyển mình lớn trong công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động.
Theo ông Vũ Trọng Bình, việc kết nối giữa các địa phương không chỉ ngày một, ngày hai mà cần tạo một diễn đàn liên tục về mặt quản trị, từ trực tiếp sang trực tuyến, đây là tiền lệ chưa có trước, không có bài vở nào dạy cả, tự chúng ta phải sáng tạo. Toàn bộ hệ thống cần thường xuyên hoàn thiện từ va vấp thực tiễn.
Là một địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp và lao động, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành tiên phong triển khai sàn giao dịch trực tuyến việc làm cho người lao động. Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Hà Nội đã “đi trước một bước” trong việc vận hành kết nối trực tuyến giữa 15 sàn giao dịch việc làm trên địa bàn. Việc kết nối “phẳng” với các tỉnh thành còn lại giúp lao động muốn về Hà Nội lập nghiệp được dễ dàng hơn, rộng mở hơn.
Ông Thành khẳng định, việc triển khai bộ công cụ quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối toàn bộ 63 tỉnh, thành thực sự là một bước chuyển hiệu quả, góp phần hiện đại hóa hoạt động của các sàn giao dịch việc làm trên nền tảng số, hỗ trợ rất nhiều cho các cán bộ, nhân viên của các sàn trong công tác nghiệp vụ. Qua thực tiễn hoạt động, thời gian tới, phần mềm này sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp để ngày càng gần gũi với người dùng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động, đồng thời, dễ dàng quản lý dữ liệu thông tin thị trường lao động.
Cũng theo ông Thành, các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng qua hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội và các điểm sàn triển khai trực tuyến từ các tỉnh đều có mong muốn có sự sàng lọc hồ sơ để khoanh vùng theo từng tệp đối tượng tuyển dụng, qua đó sẽ tiết kiệm thời gian, giảm sự đi lại và tăng tỷ lệ kết nối thành công.
Thủ tướng: Bảo đảm công viên chức, người lao động được trả đủ lương, thưởng Tết 
Chuyên gia chỉ cách giúp trẻ bảo vệ bản thân trên môi trường mạng