Gói tín dụng cho nhà ở xã hội: Hơn 6.200 tỷ đồng được giải ngân

09-07-2023 09:22|Vi Anh

Hiện tại, trên toàn quốc đã có hơn 6.200 tỷ đồng được giải ngân cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở.

Dựa trên thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có tổng cộng 9 dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công xây dựng trên toàn quốc, với tổng số hơn 18.700 căn.

Trong đó, có 6 dự án nhà ở xã hội (7.730 căn), gồm 4 dự án tại Hải Phòng (6.707 căn), 1 dự án tại Hà Nội (720 căn) và 1 dự án tại Lâm Đồng (303 căn). Ngoài ra, còn có 3 dự án nhà ở cho công nhân với quy mô 11.038 căn; trong đó, 1 dự án tại Hải Phòng (2.538 căn),  1 dự án tại Bình Định (1.500 căn) và 1 dự án Bắc Giang (7.000 căn).

Trong 6 tháng đầu năm, có tổng cộng 9 dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công.

Hơn 6.200 tỷ đồng được giải ngân 

Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cho đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc đã có hơn 6.200 tỷ đồng được giải ngân cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Bộ Xây dựng đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trong gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022.

Thông tin này đã được công bố 3 lần trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước. Danh mục này bao gồm 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, và cải tạo chung cư cũ, với tổng quy mô gần 20.000 căn hộ.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030)" và yêu cầu báo cáo số liệu đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn. Đồng thời, Bộ cũng chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc nhằm triển khai Đề án đó.

Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 18/6, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội trong khu vực đô thị, với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn hộ. Đồng thời, tiếp tục triển khai 294 dự án khác, dự kiến xây dựng tổng cộng khoảng 288.499 căn hộ.

Hiện nay, cả nước đang tiếp tục triển khai 418 dự án, bao gồm cả dự án đang trong quá trình xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn hộ và tổng diện tích khoảng 22.565 triệu m2. 

Trong giai đoạn cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về Giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cần có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển

Hiện nay, cả nước đang tiếp tục triển khai 418 dự án, bao gồm cả dự án đang trong quá trình xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, cần phân chia nhà ở xã hội thành hai nhóm nhằm đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp. Nhóm đầu tiên là nhà ở xã hội dành cho những người thu nhập thấp, không có khả năng tự trang trải chỗ ở. Đối với nhóm này, cần tạo nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê với mức thuê rất thấp. 

Nhóm tiếp theo là phát triển thị trường nhà ở chi phí thấp để bán cho những người thu nhập không cao. Chi phí thấp ở đây có nghĩa rằng các chi phí cấu thành như thiết bị vệ sinh, cửa... nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn.

Tiêu chuẩn của những căn nhà này cũng phải được thiết kế để sao cho không phù hợp với những người thu nhập cao. Diện tích, dịch vụ và hạ tầng cũng hạn chế hơn, chi phí dịch vụ cũng thấp hơn. Đồng thời, cần thiết lập các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để kiểm soát việc mua bán những khu nhà ở giá thấp này.

Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, thực tế những người có thu nhập thấp, đặc biệt là ở các đô thị chủ yếu là công nhân và những người mới vào làm có thu nhập thấp hơn mức trung bình. Tuy nhiên, việc mua và sở hữu một căn hộ, kể cả khi được trả góp vẫn là gánh nặng tài chính lớn đối với những đối tượng này. 

Ngoài ra, chủ đầu tư thường ưu tiên lựa chọn phân khúc dễ thực hiện hơn thay vì đầu tư vào nhà ở xã hội để bán bởi thu hồi vốn nhanh chóng. Hơn nữa, rất hiếm chủ đầu tư quan tâm đến quản lý và vận hành nhà ở xã hội, cũng như cho thuê nhà ở xã hội, vì phân khúc này còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện triển khai cũng như đòi hỏi thời gian để thu hồi vốn.

Từ đó, Đại biểu đề nghị điều chỉnh hướng phát triển nhà ở xã hội thông qua việc tăng cường nhà ở cho thuê, và phân chia nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đến cả ba bên liên quan: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. Đồng thời, cần tách rời chính sách phát triển nhà ở xã hội và chính sách quản lý vận hành xã hội, phân biệt rõ ràng giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán hoặc cho thuê mua và đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.

Đối với quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước, sẽ không xảy ra tình trạng cạnh tranh giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp khi mua, thuê nhà ở xã hội. Điều này giúp hạn chế sự bất bình đẳng xã hội trong việc sử dụng nhà ở xã hội.

2025: Chặng cuối tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, điểm rơi lợi nhuận của HPG, VCG, HHV, LCG...

Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2025, chuyên gia gọi tên 2 doanh nghiệp tiềm năng

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/goi-tin-dung-cho-nha-o-xa-hoi-hon-6-200-ty-dong-duoc-giai-ngan-247105.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Gói tín dụng cho nhà ở xã hội: Hơn 6.200 tỷ đồng được giải ngân
    POWERED BY ONECMS & INTECH